Môi trường

Tài nguyên nước Việt Nam đối mặt với thách thức lớn

Hiện ở Việt Nam, tình hình nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, trong khi nguồn lực lại có nguy cơ suy giảm, với khoảng 1 tỷ m3 nước thải chưa qua xử lý. Nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm từ nông nghiệp do phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; từ nước thải sinh hoạt; từ nước thải hóa chất của các khu công nghiệp…

Dòng nước bẩn từ bãi rác chảy ra vùng chuyên canh rau xã Đông Vĩnh, Nghệ An

(Nguồn: Lan Xuân/TTXVN)

Đó là nội dung thảo luận chính tại Hội nghị quốc tế về “Ứng dụng các giải pháp về nước cho Việt Nam” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp với đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 26/8, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Nước Việt Nam, hiện cả nước có 75 hệ thống thủy lợi lớn, hồ chứa thủy lợi và thủy điện chứa trên 22 tỷ m3. Trong khi đó, việc quản lý đất đai bị buông lỏng, nhiều mặt hồ, ao, đầm lầy… nơi thoát nước tự nhiên bị lấp kín cho đô thị; không thảm thực vật hoặc nhiều thảm thực vật bị phá bỏ để phục vụ các hoạt động kinh tế gây nhiều thách thức đối với nguồn nước.

Theo con số được đưa ra tại hội nghị, cả nước có khoảng 30 vạn ha rừng mất do xây dựng đập thủy điện; có khoảng 20 vạn ha thảm thực vật bị phá hủy do trồng cây cao su. Riêng tại Nghệ An có tới 3 vạn ha thảm thực vật bị phá hủy. Bên cạnh đó, những tác động từ ý thức người dân do đốt phá rừng làm nương rẫy, rừng chuyển sang sản xuất cho các khu định cư, di dân cũng tác động làm giảm lượng và chất nguồn nước trong những năm gần đây.

Hơn nữa, sự tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến suy giảm nguồn nước. Cụ thể, dòng chảy mùa kiệt tại sông Hồng giảm từ 10-15% lưu lượng nước, sông Cửu Long mùa kiệt giảm 16-24%. Theo tính toán về nguồn nước suy giảm do biến đổi khí hậu, nếu tổng nguồn nước năm 2010 là khoảng 843 tỷ m3 thì đến năm 2025, ước tính giảm xuống chỉ còn 807 tỷ m3.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi, cũng cho biết cần đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi. Xây dựng những công trình quản lý, trước hết phải đảm bảo nước là hàng hóa kinh tế, người sử dụng phải có ý thức gìn giữ và chi trả mức tiêu thụ đồng thời người gây ô nhiễm phải chịu chi phí.

Bên cạnh đó, ông Tỉnh nhấn mạnh vai trò cấp thiết của việc thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi nhằm khai thác tiềm năng, năng lực công trình hiện có phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao, kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao tuổi thọ công trình, giảm chi phí vận hành; tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải nhà kính.

Theo đó, các dự án cần có sự huy động nguồn lực tham gia quản lý kỹ thuật công trình và tăng cường sự tham gia của người dân, ông Tỉnh kết luận.

Theo TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo