Xã hội

Tài xế Grab, Uber ở TP. HCM bị phạt hơn 600 triệu đồng

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng TP. HCM đã phát hiện và lập biên bản 159 vụ vi phạm của tài xế chạy Grab và Uber, với số tiền phạt gần 610 triệu đồng.

Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về quản lý loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử. Trong văn bản này, Sở GTVT thống kê từ đầu năm 2017 đến nay, thanh tra sở này đã phát hiện và lập biên bản 159 vụ vi phạm với số tiền phạt gần 610 triệu đồng, theo tin tức trên báo Zing.vn.

Cụ thể, thanh tra đã phạt 2 trường hợp kinh doanh vận tải hành khách không có đăng ký, giấy phép theo quy định với số tiền 25,5 triệu đồng; 50 trường hợp không có phù hiệu theo quy định với số tiền phạt 159 triệu đồng; 20 lượt tài xế không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị, với số tiền phạt là 126 triệu đồng.

Với lỗi không niêm yết theo quy định trên ôtô chở hành khách về khẩu hiệu “tính mạng con người là trên hết”, lực lượng chức năng xử phạt 66 vụ với số tiền 198 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, với taxi truyền thống, thanh tra sở này đã xử phạt 373 vụ vi phạm, với số tiền hơn 460 triệu đồng. Các vi phạm của taxi chủ yếu liên quan đến việc không gắn phù hiệu, dừng đỗ không đúng quy định (313 vụ), phạt chủ phương tiện và một số vi phạm khác.

Liên quan đến các giải pháp quản lý loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử, Sở GTVT đề nghị UBND TP sớm có văn bản gửi các đơn vị cung cấp sử dụng phần mềm như Grab, Uber, tạm thời ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới nhằm ổn định hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố để chờ chỉ đạo của Bộ GTVT.

Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế nghị định số 86, trong đó quy định chặt chẽ về quản lý hoạt động của Grab, Uber; đồng thời điều chỉnh các điều kiện kinh doanh taxi nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát huy ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để quản lý.

Mới đây, UBND TP. HCM có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Uber, Grab tại Việt Nam.

Theo đó, UBND TP. HCM cho rằng, để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa các loại hình như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ, cơ quan này đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình "taxi mới", trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.

 

Cụ thể, loại hình "taxi mới" cũng phải cần đáp ứng các điều kiện giống taxi truyền thống như thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì.

Đồng thời, loại hình taxi mới cũng phải xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cũng như có phù hiệu khi hoạt động như taxi truyền thống. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Grab, Uber, Facecar,...) tương tự như điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi.

Ngoài ra, khi triển khai thí điểm hình thức đi chung xe, chính quyền thành phố đề nghị chỉ áp dụng cho xe 9 chỗ trở xuống, đồng thời mỗi chuyến xe chỉ thực hiện tối đa hai hợp đồng nhằm tránh xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc". Đặc biệt phải có nhận diện riêng (dán trên phương tiện) để áp dụng cho hình thức đi chung xe để tiện kiểm tra, xử lý.

UBND TP. HCM đề nghị Bộ Giao thông nên quy định thời gian thực hiện thí điểm khoảng 1 năm, quy định số lượng xe để thuận lợi trong việc quản lý, đánh giá và xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo