Tài xế nhét tiền lẻ trong chai nhựa phản đối trạm thu phí
Ghi nhận từ 15 đến 19h ngày 6/8, có khoảng 10 tài xế ôtô 4 chỗ, ôtô tải đã dùng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng bỏ trong chai nhựa, bịch nylon trả phí khi qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để phản đối việc đặt trạm trên Quốc lộ 1, theo tin tức trên báo Vnexpress.
Những ngày trước, trung bình một xe trả tiền lẻ mất 5-7 phút làm thủ tục, thay vì 15-20 giây theo quy trình. Hôm nay, sáu quầy của trạm thu phí Cai Lậy đã trang bị hệ thống còi và đèn báo. Mỗi khi có xe đưa tiền lẻ, đèn sẽ chớp sáng, còi vang lên để các nhân viên khác đến quầy hỗ trợ.
Các nhân viên nhận tiền lẻ trong chai nhưng không đếm tại quầy mà mời tài xế tấp vào lề đường gần trạm để tránh gây ùn tắc giao thông. Nhân viên thu phí dùng dao cắt chai đổ tiền xuống nền đất rồi đếm. Do tiền được vo tròn nên việc kiểm đếm mất thời gian, mỗi xe khoảng 15-20 phút.
Một tài xế quê Đồng Tháp cho biết anh rất bức xúc vì phí tại trạm Cai Lậy còn cao hơn cả đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trong khi đó, ngoài tiền phí trả tại các trạm, mỗi năm anh còn phải đóng tiền bảo trì đường bộ, báo Tuổi trẻ đưa tin.
Trạm thu phí Cai Lậy được đưa vào hoạt động từ 1/8 với mức phí dao động từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe. Trước khi trạm hoạt động, các tài xế đã bức xúc dọa trả tiền lẻ để phản đối mức phí và vị trí đặt trạm.
Theo giới tài xế, lẽ ra trạm chỉ được đặt trên tuyến tránh để thu tiền những xe nào đi trên đường tránh, không được thu trên tuyến quốc lộ 1 - tuyến đường vốn dĩ họ đã đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Hiệp, giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 cho biết dự án có 2 thành phần, gồm phần tuyến tránh và phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1.
Phần tuyến tránh được đầu tư mới có chiều dài 12km, xây dựng mới 7 cây cầu với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.
Còn phần phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy có chiều dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng. Ngoài ra, còn chi phí để nâng cấp 14 cây cầu trên đoạn đường này.
“Do đó, việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí cả xe đi trên quốc lộ 1 và xe đi trên tuyến đường tránh là hoàn toàn hợp lý. Việc đặt trạm đã được Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận”, ông Hiệp nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo