Tám tháng đầu năm sản xuất công nghiệp tăng 4,7%
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 3,8% so với tháng 8/2011 (ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 8,9%; công nghiệp chế biến tăng 1,9%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 7,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 10,5%).
Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ năm 2011, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 4,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ nhưng đã có sự chuyển biến tích cực qua từng tháng (so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 4,1%; 4 tháng tăng 4,3%; 5 tháng tăng 4,2%; 6 tháng tăng 4,5%; 7 tháng tăng 4,8%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có mức tăng thấp hơn nhiều so với mức 10,7% của năm 2011. Điều này cho thấy khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ đã có tác dụng nhưng cần có thời gian để phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước giảm dần đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm nên lượng tồn kho hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục tăng, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; doanh nghiệp vừa và nhỏ tại những địa bàn lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương...
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm ngày 01 tháng 8 năm 2012 so với cùng kỳ tăng 20,8%, trong đó, một số ngành có lượng tồn kho ngày càng cao như: sản xuất bia tăng 28,8%; sản xuất thuốc lá tăng 99,4%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 81,6%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 69,2%; sản xuất xi măng tăng 50,6%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 61,9%; sản xuất pin và ắc quy tăng 40,2%;
Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí tháng 8 và 8 tháng đầu năm được triển khai tích cực, Công tác khai thác dầu khí tại các mỏ ở trong nước và nước ngoài ổn định và an toàn, tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 8 ước đạt 2,13 triệu tấn, tính chung 8 tháng ước đạt 17,7 triệu tấn, bằng 70,0% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Ngành Than và Khoáng sản: sản xuất trong tháng giảm, sản lượng khai thác than sạch tháng 8 ước đạt gần 3 triệu tấn, tuy tăng 19,1% so với tháng 7 nhưng tính chung 8 tháng ước đạt 28,3 triệu tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ.
Do tình hình tiêu thụ khó khăn, giá bán xuất khẩu giảm nên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã điều chỉnh giảm giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước (trừ hộ điện vẫn đang bán thấp hơn giá thành theo chỉ đạo của Nhà nước) đối với các loại than cám 5a giảm 110.000đ/tấn, cám 5b giảm 180.000đ/tấn, cám 6a giảm 80.000đ/tấn.
Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới Tập đoàn sẽ xuất khẩu khoảng 25 nghìn tấn than đi thị trường Nam Phi và trong tháng 11 sẽ xuất khoảng 18 nghìn tấn than đi thị trường Cuba.
Đối với ngành thép, trong tháng, do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài trên diện rộng và là tháng 7 âm lịch, tiến độ xây dựng các công trình chậm nên giá thép hạ và lượng thép tiêu thụ không tăng so với tháng trước.
Trước tình hình sản xuất thép trong nước cung vẫn cao hơn cầu, xuất khẩu sụt giảm trong khi nhập khẩu thép vẫn gia tăng, để đẩy mạnh tiêu thụ trong mùa xây dựng cuối năm, tránh tồn kho và ứ đọng vốn, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thép đã thực hiện các giải pháp như: tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cho các đại lý.
Theo thống kê của Bộ Công Thương nhìn chung trong tháng tám hoạt đông thương mại và công nghiệp khá ổn định.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Tháo gỡ nút thắt, đón đầu cơ hội bứt phá
Kiến nghị xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt theo các bước
Năm 2025, ngành nông nghiệp tăng tốc
Tỷ giá ngoại tệ ngày 2/1/2024: Giá USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 2/1/2025: Bật tăng mạnh, SJC chạm ngưỡng 84,8 triệu đồng mỗi lượng
Giá nông sản ngày 2/1/2025: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu ổn định