Chân dung

Tâm thế "người đốt thuyền" khi khởi nghiệp

Năm lần khởi nghiệp trên xứ người, ba lần “ngã ngựa”, Peter Nguyễn - Nguyễn Thái Sơn lại đứng lên để làm những điều mới mẻ hơn.

 Peter Nguyễn hướng dẫn nhân viên trong công ty đánh giá “sức khỏe” các thương hiệu từ những ý kiến trên mạng xã hội - Ảnh: Hữu Khoa

Trong những tháng ngày ấy, Peter Nguyễn vào cuộc với tâm thế “người đốt thuyền”.

Ba lần “ngã ngựa”

Đến Úc du học bằng học bổng của ĐH Hàng hải (Hải Phòng) vào năm 1998, Peter Nguyễn theo học ngành kế toán Trường ĐH Sydney.

Như nhiều du học sinh khác, ngay từ năm nhất ĐH Sơn bắt đầu đi làm thêm để trang trải việc học.

Trong những năm 2000, khi máy tính dần trở thành công cụ của tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là với sự xuất hiện của Google, Peter Nguyễn đã tự mày mò xây dựng các hệ thống kế toán và phần mềm quản lý khách hàng.

Bằng cách biến các khâu sử dụng bằng tay thành hệ thống quản lý dữ liệu trên nền tảng web cho một công ty biên phiên dịch, giúp họ giảm nhân sự từ 18 người xuống còn năm người, nhưng thù lao anh nhận được vẫn chỉ 12 USD/giờ.

“Mình nhận ra dù cố gắng đến mấy, mang lại hiệu quả cho công ty bao nhiêu thì cuối cùng vẫn chỉ có ông chủ mình hưởng lợi” - Peter Nguyễn nhớ lại.

Đó là lý do mà năm 2002, sau khi từ bỏ công việc kế toán đầu tiên của mình, Peter gom hết số tiền làm thuê trong ba năm để mở một cửa hàng và website chuyên về thiết bị, sửa chữa máy tính và lắp đặt mạng.

“Sau chín tháng vật lộn với cửa hàng cung cấp thiết bị máy tính, mình đã phải dẹp tiệm vì chi phí mặt bằng quá lớn. Khi mở cửa hàng, mình thuê hai người làm website thương mại điện tử suốt chín tháng không xong” - Peter Nguyễn chia sẻ. Từ đó anh có ngay bài học về việc thuê người làm phần mềm.

Sau thất bại đó, Peter Nguyễn phải trở lại làm kế toán cho một công ty cho thuê bãi đậu du thuyền. Ngày làm ở công ty, đêm về anh nhận sửa máy tính, lắp đặt mạng tại nhà và mày mò viết quảng cáo để quảng bá dịch vụ cho chính mình.

Sau ba tháng, số tiền kiếm được từ việc sửa chữa máy tính gấp ba lần công việc kế toán ban ngày, anh lại ra làm riêng và sau hai năm cật lực Peter Nguyễn đã tạo ra mạng lưới dịch vụ sửa chữa máy tính và lắp đặt mạng (www.safemode.com.au) rải khắp Sydney và Melbourne (Úc).

Việc sửa máy tính thành công, theo Peter Nguyễn, là nhờ sự chăm sóc và tận tình với từng khách hàng khi một khách hàng nhận xét về Safemode: “Peter luôn lắng nghe khách hàng một cách thấu đáo và trả lời được hầu hết thắc mắc của tôi khi gọi đến”.

Năm 2006, khi công ty đang trên đà phát triển với doanh thu ổn định, Peter giao lại cho em trai và trải nghiệm một cuộc sống mới bằng cách học thêm.

Năm 2008, tò mò vì thành công của một khách hàng của Safemode là một chuỗi cửa hàng bán bánh ngọt tên “Pieface” tại Úc, Peter Nguyễn quyết định đi học làm sôcôla với kỳ vọng mở một chuỗi nhà hàng sôcôla. Nhưng mất tám tháng chuẩn bị thì sáu tháng đã đóng cửa.

Tổn thất cho sự nông nổi bất thường này là hơn 250.000 USD và một sự thay đổi sâu sắc về định hướng kinh doanh.

Sau một lần thất bại nữa trong thị trường tài chính với hệ thống kết nối các quỹ đầu tư và phòng giao dịch các công ty chứng khoán để buôn bán và trao đổi cổ phiếu và dự án OTC, Peter Nguyễn quay lại làm thuê cho một công ty nghiên cứu thị trường tại VN vào năm 2010 để học cách làm việc và quản trị của một tập đoàn lớn - một cơ hội đem lại việc thành lập công ty của ngày hôm nay.

Tâm thế “người đốt thuyền”

“Tôi nhớ rất rõ cảm giác bị ngã lúc một mình tự tay lắp đặt giá đỡ căn phòng thuê làm cửa tiệm đầu tiên. Chiếc bàn máy nặng đè lên chân tôi rất đau và mọi việc dường như là không thể thực hiện được tiếp nếu tôi không đứng dậy.

Những lần khó khăn hay thất bại sau này tôi luôn tự nhủ rằng những điều tệ nhất trong đời mình đều đã nếm trải và chẳng có gì là không thể vượt qua. Một người sẽ không bao giờ nói cho bạn biết họ đã nếm mùi cay đắng của thất bại như thế nào cho đến khi họ thành công.

Và một người để thành công phải trải qua rất nhiều lần thất bại. Trời cho mình một cơ hội nhưng sẽ luôn gói nó trong một khó khăn. Suy nghĩ này đã giúp mình tồn tại khi đối mặt với các thử thách trong quá khứ” - Peter hồi tưởng về các lần thất bại.

Bài học sau năm lần khởi nghiệp với ba lần thất bại của Peter Nguyễn là “luôn trong tâm thế người đốt thuyền” - không cho mình cơ hội để thoái lui.

Anh kể câu chuyện về nhà quân sự Hernán Cortés, người Tây Ban Nha, trong hành trình chinh phục vùng đất mới ông đã đốt thuyền để đoàn quân của mình chỉ được thắng, không còn đường lui trở về. Đó cũng là bài học mà Peter Nguyễn luôn nằm lòng để khởi nghiệp.

“Để đốt thuyền, bạn phải làm một điều gì đó khiến bạn không thể quay lại con đường cũ, ví dụ như trả tiền cọc trước một năm thuê cửa hàng, hay đặt bút ký đơn từ chức khi đi ra khởi nghiệp khiến mình phải lao theo".

"Sự thỏa hiệp với chính mình khi còn kế hoạch dự phòng thường khiến bạn thất bại” - Peter Nguyễn bộc bạch. 

 Công ty săn chuyện “bà tám”

Peter Nguyễn lập Buzzmetrics vào năm 2012 với sự góp vốn của một nhà đầu tư mạo hiểm và có thể trở thành giải pháp marketing độc đáo cho các nhãn hàng. Nói vui, đó là chuyện “đi săn chuyện bà tám” thông qua các mạng xã hội.

“Thay vì đo lường, khảo sát theo các điều tra thông thường, tôi nghĩ những phản hồi thông qua mạng xã hội - nơi tập trung đầy đủ các đối tượng xã hội luôn quan tâm đến các sự kiện đời sống, kinh tế, xã hội - sẽ là một kênh đo lường hiệu quả trong thời điểm này cũng như trong tương lai” - Peter cho hay.

Mục tiêu của Buzzmetrics là kết nối với các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng các giải pháp đo lường của thị trường digital marketing với công việc phân tích, đo lường “sức khỏe” của các thương hiệu và xu hướng nổi bật trên mạng xã hội từ “comment” (bình luận) của người tham gia hay các diễn đàn trên mạng và báo điện tử...

Khách hàng của Buzzmetrics là những tập đoàn lớn như Coca-Cola, Samsung, Unilever...

Theo Tuổi trẻ Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo