Chân dung

Tâm và tầm Võ Quang Huệ

Đưa nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị cung ứng cho ngành ô tô thế giới về Việt Nam là chuyện không dễ, chẳng phải ai cũng làm được như ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc (CEO) Bosch Việt Nam
Du học từ năm 18 tuổi (những năm 1970) rồi ở lại Đức làm việc nhưng trong tâm thức Võ Quang Huệ, quê nhà vẫn là nơi ông luôn muốn quay về. “Có lẽ, mỗi người Việt xa quê đều trăn trở về điều này, chứ không chỉ mình tôi” - ông Võ Quang Huệ chia sẻ.
 

Tạo cơ hội cho người Việt

 

Dù mới 4 năm thành lập Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam (100% vốn nước ngoài, văn phòng ở TPHCM) nhưng nay, Bosch đã là thương hiệu khá quen thuộc tại nước ta và có những bước đi vững chắc. Năm 2011, doanh thu thuần của Bosch Việt Nam đạt 220,5 triệu USD, góp phần đưa tổng doanh thu tăng đến 75% so với năm 2010. Sáu tháng đầu năm nay, dù tình hình kinh tế khó khăn, Bosch Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Có được kết quả này, “công đầu phải kể đến dấu ấn của CEO Võ Quang Huệ” - lời một lãnh đạo Tập đoàn Robert Bosch. Ông Võ Quang Huệ nói rằng thành công không nhỏ nữa của công ty là chỉ trong một năm qua, số lượng người lao động tại Bosch Việt Nam đã tăng gấp đôi. Đội ngũ nhân viên người Việt này sẽ được tập đoàn bồi dưỡng, đào tạo để trở thành nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật trong tương lai.

 

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Tập đoàn Robert Bosch có hệ thống khép kín với nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu và phân phối sản phẩm. Đưa một nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị cung ứng cho ngành ô tô thế giới về Việt Nam là chuyện không dễ, chẳng phải ai cũng làm được như Võ Quang Huệ. Những thiết bị do nhà máy tại Việt Nam làm ra được bán cho các hãng ô tô danh tiếng thế giới.

 

Hiện nhà máy sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục hộp số tự động cho ô tô (hoạt động từ tháng 4-2011) đã có kế hoạch đầu tư lên tới 322 triệu USD đến năm 2015. Đội ngũ công nhân viên của nhà máy cũng tăng từ 600 hiện nay lên 1.300 vào năm 2016. Trong khi đó, số lượng kỹ sư nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Phần mềm của Bosch ở Đông Nam Á (đặt tại TPHCM) cũng phát triển từ 60 lên 200 người.

 

“Bosch tăng đầu tư vào Việt Nam là thêm cơ hội để người Việt học hỏi kinh nghiệm về quản lý, kỹ thuật và đem lại nhiều lợi ích cho địa phương. Mỗi lần tập đoàn thông báo tăng đầu tư, tôi đều vui mừng, thấy mình được góp thêm phần nào đó cho quê nhà” - ông Huệ bộc bạch.

 

Từ BMW đến Bosch

 

Võ Quang Huệ quê ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn - Quảng Nam. Ông tâm sự rằng có được những thành công như hôm nay là nhờ cái duyên của ông với quê nhà. Hồi những năm 1970, đất nước còn trong chiến tranh, ô tô là mặt hàng xa xỉ. Vì thế, trong ông cũng như nhiều du học sinh khác là được ra nước ngoài học ngành cơ khí ôtô để sau này có thể về nước phát triển thị trường nội địa.

 

Tốt nghiệp đại học tại Đức, Võ Quang Huệ đầu quân cho tập đoàn ô tô danh tiếng BMW. Ông liên tục được giao nhiệm vụ phát triển thị trường trọng điểm của BMW tại nhiều nước.


Giữ gìn nguồn cội


Bao nhiêu năm sống ở nước ngoài, Võ Quang Huệ vẫn luôn hướng về quê hương, dạy các con phải nói và giữ vốn tiếng Việt, giữ văn hóa nguồn cội. Môi trường đa văn hóa có thể khiến quan niệm cội nguồn phai nhạt nhưng theo ông, đó là một phạm trù hết sức thiêng liêng và tự nhiên trong mỗi con người. Dù có đi đến đâu, thành công cỡ nào, người ta vẫn luôn muốn trở về quê hương.

“Bên cạnh những cống hiến cho tập đoàn, chung tay phát triển kinh tế địa phương, tôi luôn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của mình cho thế hệ trẻ Việt Nam” - ông tâm sự.

 

 

Sau 14 năm ở BMW, năm 1993, lần đầu tiên ông trở về Việt Nam trong vai trò trưởng đề án đưa xe BMW vào thị trường này bằng cách hợp tác với một công ty cơ khí ô tô trong nước.

 

Từ đây, ông nhen nhóm ước mơ về nước làm việc hẳn. “Là người Việt đầu tiên trong nhóm kỹ sư người Đức đưa thương hiệu ô tô sang trọng BMW vào Việt Nam, cảm giác đó thật là thú vị” - ông nhớ lại.

 

Năm 2006, trên chuyến bay từ Ai Cập về Singapore (khi đó Võ Quang Huệ là tổng đại diện BMW tại Ai Cập), ông tình cờ gặp người quản lý của Tập đoàn Robert Bosch. Người này cho hay Bosch đang tìm kiếm một người học ở Đức, hiểu văn hóa và kinh tế Đức, đồng thời có kinh nghiệm về thị trường Việt Nam.

 

“Thế là tôi lọt vào “mắt xanh” của họ. Sau đó, trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng tại Thượng Hải (Trung Quốc), họ đề nghị tôi tham gia thành lập công ty con của Bosch ở Việt Nam. Tôi vui như mở cờ trong bụng. Còn gì hạnh phúc hơn khi được làm việc cho một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, ngay tại quê nhà”.

 

Thế là ông chia tay BMW sau 25 năm gắn bó, về với Robert Bosch.

 

Làm quyết liệt, sống tình cảm

 

Những ngày đầu mới bắt tay thành lập Bosch Việt Nam, ông đích thân gõ cửa các cơ quan chức năng ở TPHCM xin giấy phép, ra tận cảng làm việc với hải quan, gặp trực tiếp đối tác… Có lần, Bosch nhập dây chuyền sản xuất đầu tiên cho nhà máy ở huyện Long Thành - Đồng Nai bị thiếu thủ tục hải quan, khiến nhà máy có nguy cơ vận hành không đúng thời hạn, ông đề nghị hải quan mở cuộc họp, trình bày tầm quan trọng của dự án.

 

“Khi ấy tôi bày tỏ rằng thành công của dự án này sẽ là thành công của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Và quan trọng hơn, Bosch muốn được làm việc, tuân thủ pháp luật Việt Nam. Sau đó, hải quan đã sớm có phương án giải quyết cho Bosch” - ông Huệ kể.

 

Hiện tại, công việc mỗi ngày một nhiều nhưng CEO Bosch Việt Nam vẫn không quên về thăm quê nhà xứ Quảng. Những dịp lễ tổ của họ tộc, dù người thân ở quê không còn nhiều nhưng ông hiếm khi nào vắng. Chẳng những thích ăn mì Quảng, lúc rảnh rỗi ông còn trổ tài nấu món mì Quảng “lai” cho cả nhà thưởng thức.
 
Ông gọi là mì Quảng “lai” bởi nhiều năm ở nước ngoài, ông thường nấu món đặc sản quê hương này và có nêm thêm một chút gia vị khác lạ. “Nhưng khi về lại Việt Nam, tôi đã cập nhật cách nấu món mì Quảng truyền thống rồi” - ông Huệ kể vui.
 
Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo