Tan hoang rừng tự nhiên ở Ea Kar
Từ ngoài, mọi người đều có thể nhìn thấy, nhiều cánh rừng tự nhiên nằm trên địa bàn các xã Cư Yang, Cư Ea Lang, Cư Bông, Cư Prông, Ea Ô và Ea Pal… của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã bị khai thác trắng để lấy đất trồng hoa màu và làm nhà ở. Đi sâu vào bên trong, điều dễ nhận thấy, nhiều cây rừng có hàng chục đến hàng trăm năm tuổi, với đường kính từ 40 cm đến gần 1 mét đã bị lâm tặc chặt hạ để lấy gỗ.
Tại tiểu khu 703 thuộc địa bàn xã Cư Bông, nơi được coi là khu vực còn nhiều gỗ nhất ở phía Nam huyện Ea Kar cũng đã có hàng chục kilômet đường do lâm tặc ngang nhiên mở ra để khai thác và vận chuyển gỗ. Tại đây, nhiều cây gỗ, như xoay, nghiến, bột, bằng lăng v.v… dài hàng chục mét đã bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy, xẻ ra thành phách và đã lấy phần ruột đưa ra khỏi rừng. Phần bỏ lại chỉ là ngọn cây, lá vẫn còn tươi và phần bên ngoài thân gỗ…
Thực tế cho thấy, tình trạng khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên nằm trên địa bàn huyện Ea Kar đã diễn ra từ nhiều năm qua và đến nay, diện tích rừng của các xã, như: Cư Yang, Cư Ea Lang, Cư Prông, Ea Ô và Ea Pal còn lại không đáng kể. Toàn bộ diện tích rừng sau khi bị chặt phá cũng đã bị người dân lấn chiếm để sản xuất. Chỉ còn xã Cư Bông là địa phương vẫn còn rừng. Thế nhưng gần đây, rừng ở các tiểu khu 701, 702, 703, 704 của xã Cư Bông cũng đã bị lâm tặc vào khai thác với quy mô lớn. Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi chi biết bao nhiêu tiền mà kể, xây dựng kế hoạch, chốt chặn tuần tra liên tục… không thể nói là trước tình trạng mất rừng mà địa phương phủi tay. Chúng tôi đã nỗ lực làm hết mình và cũng đã báo cáo cấp trên nhiều lần, nhưng gần đây dân tộc Mông khai thác gỗ về làm nhà, rồi nhiều đối tượng khác vào mua, bán…, nhiều vấn đề lắm.”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vỹ, trên địa bàn xã có hơn 5.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 4.000 ha đã được Nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar quản lý, bảo vệ từ nhiều năm nay. Gần 1.000 ha còn lại do xã quản lý, sử dụng. Điều đáng nói là, lâu nay, việc giữ rừng ở xã Cư Bông nói riêng và huyện Ea Kar nói chung luôn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên hiệu quả giữ rừng vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Trao đổi với phóng viên vào chiều 23/10/2017, ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn của công ty quản lý, bảo vệ đã xảy ra tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép và gần đây là ở xã Cư Bông. Tình trạng đó xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do diện tích rừng mà Nhà nước giao cho công ty quá lớn, với hơn 14.000 ha, nhưng lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng của công ty lại quá mỏng, trong khi kinh phí nhà nước cấp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng năm sau lại ít hơn năm trước. Thứ hai, là lâm tặc ngày càng tinh vi, manh động, luôn chủ động đối với với lực lượng chức năng. Thứ ba là, đến nay, công cụ hỗ trợ cho lực lượng tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng lại chưa được ngành công an gia hạn sử dụng… Bên cạnh đó, do Nhà nước thu hồi đất của người dân để xây dựng công trình thủy lợi Krông Pắc Thượng trên địa bàn, đã làm cho người dân thiếu đất sản xuất. Vì vậy, họ đã phá rừng lấy đất canh tác v.v..
Hiện nay, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các xã phía Nam huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đều là rừng tự nhiên đã được Nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, số vụ vi phạm các quy định Luật Bảo vệ và Phát triển rừng do công ty phối hợp, phát hiện xử lý cùng với các cơ quan chức năng của huyện Ea Kar lại rất hạn chế. Từ đầu năm 2017 đến nay, trong số 23 vụ vận chuyển lâm sản trái phép bị bắt giữ, với số lượng gỗ, củi thu được tại địa bàn xã Cư Bông và xã Cư Yang gần 77 m3, thì chỉ có 1 vụ, với 3,9 m3 gỗ xẻ thuộc nhóm 5 được phát hiện là có sự phối hợp giữa công ty với cơ quan Hạt Kiểm lâm huyện. Điều này cho thấy, công tác phối hợp giữa đơn vị chủ rừng với các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Ea Kar để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng đang có nhiều vấn đề cần phải được xem xét, xử lý, chấn chỉnh.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Nói thẳng là lực lượng của chúng ta không phải là yếu, mỗi xã đều có 1 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu cho xã, nhưng về phía xã còn có công an, xã đội; công ty lâm nghiệp cũng có lực lượng làm công tác tuần tra, xử lý… Tôi nghĩ, nếu như chúng ta phối hợp tốt lực lượng này thì đủ sức để làm. Thế nhưng, sự sự phối hợp của chúng ta còn nhiều vấn đề. Cho nên cũng phải xem xét nguyên nhân, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại vấn đề này”
Gần đây, để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, triệt để, mạnh mẽ nhằm lập lại trật tự kỷ cương hành chính Nhà nước; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Huyện cũng đã cấp kinh phí cho một số xã như: Cư Bông, Cư E Lang … đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiện toàn các Ban lâm nghiệp và xây dựng lực lượng tham gia công tác bảo vệ rừng; thành lập một số chốt kiểm soát ở những nơi lâm tặc thường vận chuyển gỗ để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm. Song, nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng đơn vị chủ rừng và các đơn vị liên quan ở địa phương, như Kiểm lâm, Công an v.v… thì rừng tự nhiên ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vẫn phải đối mặt với nạn lâm tặc hoành hành, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của con người.
End of content
Không có tin nào tiếp theo