Quốc tế

Tận thế tiền tệ?

“Châu Âu sẽ còn lại gì nếu đồng euro biến mất? - Không gì cả , Tổng thống Pháp Sarkozy nói về nguy cơ đối với khu vực đồng euro (eurozone).

 

"Tận thế" tiền tệ...


Từ ngày 1/1/2002, đồng tiền chung có tên euro, đã đến tay người tiêu dùng ở 17 nước châu Âu, gồm Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cyprus, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Ireland, Luxembourg, Malta, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Ý, Slovenia, Slovakia và Estonia. Đến nay, đồng euro sắp tròn 13 tuổi, nhưng đang xuất hiện nguy cơ tan rã do sự ra đi của những thành viên vỡ nợ.

 

Pháp và Đức cần phải đóng vai trò chủ chốt để đảm bảo một khu vực ổn định. Ảnh: Reuters


Cụ thể, việc đồng euro xuống giá liên tiếp trong bốn tuần cuối tháng 11/2011 đã gợi ra tương lai ảm đảm cho khu vực châu Âu khi nhiều chuyên gia tài chính có chung quan điểm rằng, đồng euro sẽ còn giảm mạnh do khủng hoảng nợ chưa biết bao giờ mới chấm dứt và điều này chắc chắn tác động lớn đến thị trường chứng khoán thế giới.


Bloomberg dẫn lời cựu Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu Jacques Attali nhận định khả năng sống sót của đồng euro trước Giáng sinh 2011 là 50/50, nếu châu Âu không đưa ra được các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng lan rộng.

Theo ông Attali, để ngăn chặn sự sụp đổ này, châu Âu cần cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu của chính phủ các nước đang khủng hoảng, cắt chủ quyền tài chính của họ thông qua kiểm soát ngân sách siêu quốc gia, đổi mới luật pháp trong EU.
 

Ngày 27/11, Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cũng cảnh báo rằng, thị trường đã tính đến khả năng đồng euro sụp đổ bởi tình huống xấu có thể đến nhanh hơn so với khả năng ứng phó của giới chính trị gia.

Theo quan chức UBS, nhà đầu tư cho rằng nếu Đức không hướng đến một liên minh tài khóa thống nhất với các đối tác hoặc ECB không muốn mua không hạn chế trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp, thì khu vực đồng euro sẽ tan rã.


... Đại suy thoái?


UBS mới đây phát đi thông điệp rằng, sự sụp đổ của đồng euro sẽ gây ra thảm họa dây chuyền về kinh tế, chính trị - xã hội đối với châu Âu và kinh tế trên toàn cầu. Lúc đó, hàng triệu người trên thế giới sẽ choáng váng khi thấy tài khoản trở thành vô giá trị. Các thị trường tiền tệ trên thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn. Bất ổn chính trị - xã hội bùng nổ. Sự tan rã của liên minh tiền tệ này sẽ kéo theo sự sụp đổ của Liên minh châu Âu.


Chuyên gia UBS Deo nhận định một EU rạn nứt sẽ lập tức đánh mất ảnh hưởng chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu. Những nỗ lực xây dựng các chính sách ngoại giao, an ninh khu vực trở thành vô nghĩa. Lục địa già rơi xuống vực, sẽ kéo theo thế giới chìm vào một cuộc suy thoái quy mô lớn, có thể là thảm họa kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại, như đại suy thoái thập niên 1930.

Cụ thể, đối với các nền kinh tế yếu trong khối đồng euro như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, hậu quả tài chính sẽ cực lớn. Hy Lạp quyết định quay trở lại với đồng drachma, nhưng giá đồng tiền này sẽ sụt giảm thảm hại. Điều này đồng nghĩa khối nợ của Hy Lạp càng phình to hơn, hậu quả là vỡ nợ. Các ngân hàng Pháp và Đức sẽ khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ do ôm quá nhiều nợ Hy Lạp.
 

Chưa kể, với một nền kinh tế mạnh như Đức, khi rời khối đồng euro, cũng sẽ lâm vào khủng hoảng. UBS dự báo giá đồng mark Đức sẽ tăng vọt khoảng 40%, hậu quả là giá hàng xuất khẩu Đức tăng theo. Các công ty Đức cũng sẽ phá sản, hệ thống ngân hàng trong nước lao đao, dòng thương mại quốc tế sụp đổ.
 

Khả năng sống sót của đồng euro trước Giáng sinh 2011 là 50/50.


Nếu đồng euro biến mất, lập tức bạo động sẽ bùng nổ và lan rộng khắp châu lục. Tình trạng thất nghiệp sẽ dẫn tới sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Các cuộc biểu tình, bạo động sẽ nổ ra như những gì đã xảy ra ở Hy Lạp...


Một tuần trước giờ "G"


Hội nghị thượng đỉnh Pháp - Đức ngày 5/12 là sự kiện khởi động một tuần lễ các cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner với đỉnh điểm là hội nghị thượng đỉnh EU vào thứ Sáu 9/12 tại Brussels, để tìm sự đồng thuận về các đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro.


Theo AFP, ngày 5/12 tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bắt đầu cuộc họp quan trọng, với hy vọng thống nhất về các đề xuất thay đổi hiệp ước của Liên minh châu Âu (EU) nhằm củng cố kỷ luật ngân sách của khối.


“Pháp và Đức cần phải đóng vai trò chủ chốt để đảm bảo một khu vực ổn định. Chúng ta phải cùng nhau đối mặt với những người đang nghi ngờ sự ổn định của đồng euro và phỏng đoán về sự sụp đổ của nó với sự đoàn kết hoàn toàn", ông Sarkozy phát biểu hồi tuần trước.
 

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel đã hứa có "những bước đi cụ thể để tiến tới một liên minh tài chính", mà trên thực tế có nghĩa là hội nhập sâu rộng hơn các chính sách thuế khóa và chi tiêu của các quốc gia thành viên trong khu vực đồng euro và Brussels có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các thành viên vi phạm quy định.


“Chúng ta cần kỷ luật ngân sách và một cơ chế ứng phó khủng hoảng hiệu quả. Do đó chúng ta cần thay đổi các hiệp ước hoặc tạo ra hiệp ước mới", bà Merkel nói.

Theo ĐV

Doanh nghiệp tiêu biểu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo