Tăng cường giám sát, kiểm toán để chống thất thoát vốn Nhà nước
Theo Nghị quyết 25/NQ-CP ban hành về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 04-NQ/TW.
Phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng cấp tổ chức triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 04-NQ/TW, Kế hoạch số 04-KH/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, của các cấp, các ngành trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý. Đưa các nội dung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nâng cao trình độ lý luận hàng năm gắn với cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo đúng Nghị quyết số 04-NQ/TW, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và đột xuất theo quy định trên cơ sở cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đề cao tính gương mẫu, tự giác kiểm điểm, trách nhiệm nêu gương của cấp trên, người đứng đầu.
Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội. Chủ động định hướng thông tin, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền...
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 04-NQ/TW. Rà soát các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng để kịp thời thể chế hóa, hoàn thiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phù hợp. Rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực thi quyền lực bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ những tiêu cực trong cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý và sử dụng biên chế. Ban hành chính sách và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống rửa tiền; chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế theo quy luật khách quan và quy luật thị trường. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích bộ, ngành, địa phương, cơ sở năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Xây dựng, trình Bộ Chính trị Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sớm xóa bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lợi của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất, kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Tiếp tục thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Thực hiện kiên quyết, có hiệu quả việc tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu, yêu cầu gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân công rõ ràng, một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện, các cơ quan khác phối hợp. Rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và hoàn thiện bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cho phù hợp, hạn chế và khắc phục tình trạng phân tán chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính phiền hà, không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của pháp luật có liên quan; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Xây dựng quy định tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có các quy định về xử lý kỷ luật; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
Tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật thi đua, khen thưởng; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm... nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Triển khai thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.
Thực hiện nhất quán, nghiêm túc chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức nhà nước và bảo đảm chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức theo hướng nhiều chủ thể tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Công khai các chế độ, chính sách để Nhân dân giám sát và hướng dẫn dư luận xã hội hiểu đúng về những chế độ, chính sách liên quan đến phương tiện, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức.
Đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về chế độ trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, phong cách lối sống, quy tắc ứng xử của cơ quan nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực ứng xử các mối quan hệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với doanh nghiệp và với Nhân dân. Người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức phải có bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình...
Nghị quyết nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình hành động này. Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chương trình hành động này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình hành động của bộ, ngành, địa phương mình và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ hàng năm, trong đó phải thể hiện bằng các giải pháp, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2017, đồng gửi Bộ Nội vụ để theo dõi, tổng hợp theo quy định.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này và Chương trình hành động của từng bộ, cơ quan, địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đồng gửi Bộ Nội vụ để theo dõi và tổng hợp theo quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 10/1/2025: Thị trường vàng tiếp tục đà tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 10/1/2025: USD tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp
Giá heo hơi ngày 10/1/2025: Miền Bắc tiếp tục duy trì đà tăng
STARLUX mua thêm 5 máy bay vận tải A350F
Giá nông sản ngày 10/1/2025: Cà phê và hồ tiêu giảm sâu bất ngờ
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết