Xã hội

Tăng cường giám sát thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh yêu cầu giám sắt chặt chẽ hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam.

Một thương lái Trung Quốc (áo trắng) đang lựa mua cá hố tại cảng cá Vĩnh Lương, Nha Trang.

Thời gian gần đây, tại một số địa phương lại bắt đầu xuất hiện hiện tượng người nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản (kể cả những loại khác lạ) theo chiều hướng ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, ổn định kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

Để kịp thời ngăn chặn hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản trái với quy định pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Công văn số 4456/BCT-TTTN ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về người nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam; Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; Báo cáo hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản (kể cả những loại khác lạ) của người nước ngoài trên địa bàn và kết quả triển khai thực hiện cũng như những vướng mắc, khó khăn về Bộ Công Thương - Vụ Thị trường trong nước.

Thu mua hàng hóa diễn biến phức tạp

Trước đó đã xảy ra hàng loạt vụ việc khiến người nông dân ở nhiều tỉnh điêu đứng vì thương lái Trung Quốc.

Một số nông dân cho biết: trong thời gian đầu, thương lái Trung Quốc ứng tiền trước và thanh toán rất sòng phẳng để tạo uy tín, giá cả lại cao hơn giá thị trường từ 10 - 30% để “câu mồi”. Đến khi được người dân tin tưởng, họ vịn vào nhiều lý do để trả chậm tiền hàng, khi số nợ lớn lại bị đòi gắt gao thì họ chuyển qua mua của các vựa khác để tiếp tục khất nợ. Đến khi tổng số nợ lên đến hàng tỷ đồng thì họ biến mất.

Năm 2011, trên địa bàn huyện Giá Rai (Bạc Liêu) bỗng trở nên sôi động khi có sự xuất hiện của các thương lái Trung Quốc đi mua hàng tôm nguyên liệu mà không cần phải đều về kích cỡ, trọng lượng, cả tôm bị bơm tạp chất họ cũng mua và giá thu mua lại khá cao nên nhiều cơ sở địa phương đã ồ ạt đi gom hàng để bán cho thương lái Trung Quốc. Hệ quả là người dân và các cơ sở thu gom hàng VN bị quỵt nợ lên tới hàng chục tỉ đồng do các thương lái Trung Quốc sau khi thu gom hàng xong đã bỏ trốn còn các DN chế biến trong tỉnh thì không có nguyên liệu để sản xuất nên phải hoạt động cầm chừng, có DN chỉ hoạt động từ 30 – 50% công suất.

Tại tỉnh Vĩnh Long, vẫn thủ đoạn trên, các thương lái Trung Quốc thu gom khoai lang tím Nhật với lời hứa sẽ tiêu thụ với số lượng lớn đã làm cho người dân nơi đây vui mừng khôn siết vì đã có đầu ra ổn định. Giá ban đầu thu mua khoai lang tím Nhật được các thương lái Trung Quốc trả một triệu đồng/tạ (chỉ tính 60 kg), nông dân thu lợi từ 300 – 400 triệu đồng/ha. Do lợi nhuận cao nên người dân đã chuyển canh tác từ ruộng lúa chuyển sang trồng khoai lang tím Nhật và diện tích canh tác đã không ngừng tăng mạnh và lan rộng ra nhiều địa phương khác. Hiện khoai lang tím Nhật còn được trồng ở huyện Lấp Vò (Đồng Pháp), huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) với diện tích lớn hàng trăm héc-ta...

Không những vậy, do được chi hoa hồng cao, giá hấp dẫn, nhận và giao hàng dễ dàng nên đã thu hút khá đông người nhận làm đại lý đi gom khoai lang tím Nhật để bán cho thương lái Trung Quốc hưởng chênh lệch. Nhiều lãnh đạo địa phương cũng đưa khoai lang tím Nhật vào trong chiến lược phát triển nông nghiệp cho địa phương mình qua việc mở rộng thêm diện tích canh tác. Tuy nhiên cho đến hiện nay thì giá đã “đổi chiều” chỉ còn khoảng 220.000 – 300.000 đồng/tạ,  hàng tồn động lớn không có đầu ra và khá nhiều đại lý thu gom đã vỡ mộng làm giàu bởi… bị quỵt nợ với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng với sự “ra đi” không trở lại của các thương lái Trung Quốc.

Đầu năm 2012, thông tin từ các cơ quan công luận phản ánh việc thương lái Trung Quốc thu mua cua ở thị trấn Năm Căn (Cà Mau) lại sử dụng “kịch bản” cũ để lừa các đại lý thủy sản với số tiền lên đến hơn 100 tỉ đồng. Gần đây, sau một thời gian dài thao túng vùng nguyên liệu dứa của huyện Tân Phước (Tiền Giang), các thương lái Trung Quốc lại “biến mất” để lại một “nỗi buồn” cho các đại lý nơi đây do đã thu gom được khá nhiều dứa nhưng…không ai đến mua.

Liên tiếp các vụ thương lái Trung Quốc đặt mua hàng khối lượng lớn nhưng rồi "một đi không trở lại", hay lúc đầu cố tình đẩy giá mua lên cao để kêu gọi đại lý gom hàng, đến khi các đại lý gom hàng số lượng lớn thì bỏ đi hay tìm cách ép giá.

Tạo niềm tin để… lừa

Chiêu thức mà nhiều thương lái Trung Quốc áp dụng là đưa nông sản buôn bán tiểu ngạch qua biên giới; rồi lấn dần vào vùng Đồng bằng Bắc bộ và mới đây là các vụ lừa, ép giá diễn ra với thủy sản ở Nam trung bộ như Nha Trang, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu rồi vào tận Năm Căn - Cà Mau; thậm chí tìm cách lừa cả nông dân trồng khoai ở Bến Tre.

Mộ trong những người đã bị thương lái Trung Quốc lừa là chị Khanh (ở Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết có một một đại lý thu mua hải sản thuộc diện lớn nhất tại chợ hải sản lớn nhất Nam Trung Bộ, đã từng mất trắng gần 2 tỷ đồng khi đứng ra làm đại lý thu gom cho thương lái Trung Quốc nhưng bị họ quỵt nợ không trả tiền.

Chị Khanh cũng cho biết, lâu nay ở Nha Trang có khoảng vài chục đại lý chuyên mua hải sản để bán cho thương lái Trung Quốc. Kết quả của mối làm ăn này là hơn một nữa trong số đó đã bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ...

Theo kinh nghiệm chị Khanh, cách làm ăn của thương lái Trung Quốc tại các tỉnh phía Nam đều có một mẫu thức giống nhau. Trước hết, họ thông qua những người Việt gốc Hoa giới thiệu làm quen với những đại lý này. Cách thức tạo lòng tin cậy là họ ăn ở tại nhà các đại lý, cùng đi thu mua với đại lý. Thậm chí, các đại lý còn là người đăng ký tạm vắng, tạm trú... với chính quyền địa phương để họ được lưu trú lâu dài.

Ban đầu, họ rất sòng phẳng, mua bao nhiêu hải sản từ các đại lý thì trả bằng tiền mặt bấy nhiêu. Thậm chí, họ còn trả tiền hoa hồng, tiền công cho những đại lý đứng ra thu mua hải sản, thuê các nhà máy, cơ sở chế biến... với mức khá cao.

Tiếp theo, để tiếp tục tạo lòng tin từ các đại lý thu mua hải sản của các thương lái Trung Quốc là mời sang nhà chơi cho biết cửa, biết nhà. Dĩ nhiên, chi phí cho chuyến đi như làm thủ tục, vé máy bay, tiền ăn ở tại Trung Quốc... đều được thương lái Trung Quốc bao từ A đến Z.

Theo các đại lý, có thể nói đây là một chiến thuật hiệu quả khi tạo lòng tin cho các đại lý là đã biết người, biết nhà rồi... nên không sợ bị lừa. Vì ai cũng nghĩ đơn giản đã được dẫn đến nhà chơi... thì những đối tác này  không còn lừa mình nữa vì đã thân nhau, biết cửa, biết nhà rồi thì còn gì phải lo. Do có tâm lý như vậy nên các đại lý của Việt Nam rất chủ quan và dẫn tới bị lừa. Theo tiết lộ của những đại lý,thì 100% đại lý bị lừa tiền thì đã một lần du lịch qua Trung Quốc bằng tiền chùa.

Tuy nhiên, sau khi mời du lịch chùa về, những thương lái này quay lại Việt Nam tiếp tục mua hải sản với giá cao, trả tiền hoa hồng hậu hỉnh cho các đại lý và chờ đợi.... bắt một mẻ cá lớn.

Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo