Tăng cường hàng nghìn tỷ phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống của nông dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 14/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2014 đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù. Mục tiêu của chương trình cho vay thí điểm, một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong, mặt khác khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia khi thấy được lợi ích thiết thực từ các mô hình sản xuất mới.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định phê duyệt danh sách ngân hàng thương mại và 10 doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm thực hiện 11 dự án tại 6 tỉnh, thành phố (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định) và đã hai lần tổ chức Lễ ký kết cho các ngân hàng và doanh nghiệp tham gia chương trình tại Hà Nội.
Căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố còn lại chưa có doanh nghiệp tham gia chương trình, trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 14/10/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2064/QĐ-NHNN phê duyệt danh sách các ngân hàng thương mại và 17 doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm (đợt 3). Đây là những doanh nghiệp có mô hình sản xuất liên kết khá hoàn chỉnh, có quy mô sản xuất lớn để tạo ra mô hình tốt trong liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.
Ngày 05/11/2014, NHNN Việt Nam tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa 6 doanh nghiệp của 6 tỉnh, thành phố Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa đại diện cho doanh nghiệp được lựa chọn lần này với các ngân hàng thương mại.
Việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm, mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao lần này là đợt cuối cùng theo chỉ đạo của Chính phủ, nâng tổng số doanh nghiệp được phê duyệt tham gia chương trình là 27 doanh nghiệp thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số tiền các ngân hàng thương mại đã ký kết với các doanh nghiệp tham gia chương trình lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Đây là 27 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tại 5 khu vực trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm sẽ tạo ra cách làm mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đồng thời mở ra hướng đầu tư tín dụng mới hiệu quả, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với những doanh nghiệp còn lại chưa được liên Bộ lựa chọn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp cận dự án của doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giới thiệu để thẩm định và quyết định cho vay với lãi suất và thời hạn phù hợp để thực hiện dự án. Trong quá trình thẩm định cho vay các dự án trên, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội sở chính ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét giải quyết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025