Môi trường

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước để giảm số người tử vong do ung thư

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT - ông Hoàng Văn Bảy đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước” do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Liên minh Nước sạch phối hợp tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội.
Nguyên nhân gây ra cái chết của hàng nghìn người mỗi năm do ung thư
 
Báo cáo tại hội thảo, ông Hoàng Văn Bảy – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, hiện nước ta có khoảng 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên với tổng lượng nước mặt khoảng 830-840 tỷ m3/năm, trong đó có 9 hệ thống sông lớn có diện tích lưu vực lớn hơn 10.000km2 bao gồm gồm Sông Hồng, Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long và hàng nghìn hồ ao. Có khoảng 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi tương đối lớn với tổng dung tích chứa trên 65 tỷ m3. 
 
Tuy nhiên, hầu hết hệ thống sông ngòi, hồ ao đều bị ô nhiễm, đặc biệt là hệ thống sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo thống kê, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000m3/ ngày) và công nghiệp (khoảng 240.000m3/ngày) không được xử lý đổ thẳng vào các ao hồ. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất khác như các lò mổ và ngay cả bệnh viện (khoảng 7.000m3 mỗi ngày, chỉ 30% được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống nước thải.
 
Trước hiện trạng trên, ông Bảy cho rằng, cũng như một số nước trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức hết sức gay cấn về tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị, nơi hầu hết các hệ thống sông ngòi, hồ ao đều bị ô nhiễm. 
 
Ông Bảy cũng nhận định rằng, đây là một trong những vấn đề nóng gây tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, phát triển và bảo vệ môi trường và đặc biệt là sức khỏe của nhân dân. Theo báo cáo của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, có tới 200.000 trường hợp ung thư mà một nguyên nhân quan trọng là do sử dụng nước bị ô nhiễm.
 
Để khắc phục tình trạng trên, ông Bảy cho rằng, trước mắt chưa cần thiết phải có một Luật riêng, mà nên tập trung vào một số giải pháp sau: Tăng cường các biện pháp, chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước; nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền xả nước thải gắn liền với thu tiền sử dụng nước để bảo vệ chất lượng nguồn nước, cải tạo, phục hổi các nguồn nước bị ô nhiễm; xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát liên tục, tự động trực tuyến hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; định kỳ hằng năm hoặc khi cần thiết công bố công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông để tạo áp lực xã hội đối với hình ảnh của các doanh nghiệp.
 
Chính sách, pháp luật về kiểm soát nguồn nước phải là số một
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chất lượng nguồn nước đang có nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát do tác động của các hoạt động phát triển; sự mâu thuẫn trong khai thác, chia sẻ tài nguyên nước giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế; từ công tác quản lý nhà nước và đặc biệt là chính sách, pháp luật chưa được hoàn thiện, thiếu nhiều quy định và các chế tài trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước.
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý phát biểu tại hội thảo.
 
 
"Lượng nước của Việt Nam đa phần phụ thuộc vào lượng nước từ nước ngoài chảy vào lãnh thổ Việt Nam; nhu cầu dùng nước trong công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, vui chơi giải trí tăng mạnh mẽ và nguồn nước này được phân bố không đều cả về mặt không gian và thời gian trên toàn lãnh thổ Việt Nam; tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ngày càng giảm khiến cho nguồn sinh thủy đang giảm cả về số lượng và chất lượng. “Chính vì vậy việc bảo vệ và quản trị tốt nguồn nước đã được coi là vấn đề ưu tiên trong mục tiêu phát triển đất nước. Trong đó, chính sách, pháp luật về kiểm soát nguồn nước phải được ưu tiên hàng đầu” – TS Võ Tuấn Nhân khẳng định.
 
Đồng quan điểm với ông Võ Tuấn Nhân, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho rằng, phát triển bền vững đòi hỏi phải có nguồn nước sạch. “Nước sạch là điều kiện cần và tiên quyết, có thể coi là nguồn tài sản cho sự phát triển kinh tế cho đất nước. Giữ gìn nguồn nước sạch là phát triển bền vững là hai khái niệm không thể tách rời”, bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh.
 
Bà Nguyễn Ngọc Lý đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan xem xét tạo lập một hành lang pháp lý cần thiết và hệ thống, xây dựng “Luật kiểm soát ô nhiễm nước” Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.
 
 
 
 
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo