Tăng giá xăng và nỗi lo lạm phát tâm lý
Bốn doanh nghiệp đề xuất tăng giá bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH Một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp.
Theo các doanh nghiệp trên, suốt 30 ngày qua, giá xăng thành phẩm nhập tại thị trường Singapore liên tục biến động. Tính riêng giá xăng A92, mặc dù đã trích 300 đồng từ quỹ bình ổn xăng dầu nhưng các doanh nghiệp vẫn còn lỗ khoảng 600 đồng/lít. Hiện mức đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp xin tăng bao nhiêu vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là thời điểm chưa thể bàn đến chuyện tăng giá xăng.
“Báo lỗ chỉ để Bộ biết”(!)
Là một trong bốn doanh nghiệp đề xuất tăng giá nhưng, đại diện Saigon Petro lại cho rằng doanh nghiệp mình chưa đề xuất tăng giá. “Chúng tôi chỉ báo cáo lên Bộ Tài chính về việc lỗ để Bộ biết chứ chưa có đề xuất tăng giá. Chúng tôi đã lỗ rất nhiều ngày nay rồi và không muốn nói đến chuyện này nữa vì có nói cũng không đi đến đâu” - vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này, Bộ Tài chính nên công khai bảng tính giá xăng lên báo chí để người dân hiểu rõ tình hình giá xăng như thế nào. Chỉ cần nhìn vào bảng giá đó thì không cần doanh nghiệp phải nói nữa.
Về bảng tính giá xăng dầu của doanh nghiệp hiện nay, thời gian qua rất nhiều ý kiến cho rằng cách tính giá vẫn là một dấu hỏi lớn đối với người dân. Nhiều con số được công bố nhưng thực hư như thế nào thì lại chưa rõ ràng.
Chưa hết, một trong những lý do xin tăng giá xăng mà doanh nghiệp thường xuyên đưa ra là giá xăng trong nước thấp hơn giá của Campuchia, Trung Quốc… Sự so sánh trên khá khập khiễng, vì mỗi nước có một chính sách giá riêng và chúng ta không hề biết cơ cấu, cách tính giá của các nước đó như thế nào.
Lạm phát tâm lý
Bàn về phương án đề xuất tăng giá thời điểm này, một chuyên gia am hiểu về xăng dầu cho rằng thực tế giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí sản xuất không cao. Tuy nhiên, mặt hàng này lại góp phần gián tiếp tác động đến… lạm phát tâm lý. Điều này được thể hiện rất rõ trong suốt thời gian qua, hễ giá xăng tăng thì các mặt hàng từ thực phẩm đến dịch vụ… đều đòi tăng theo.
Một chuyên gia phân tích: “Phải nói rằng với cách điều hành giá hiện nay, chúng ta đang để xảy ra tình trạng lạm phát tâm lý. Cứ xăng tăng thì ai cũng “tự vệ” bằng cách tăng giá các mặt hàng theo vì sợ lỗ. Nhưng khi giá xăng giảm thì không thấy mặt hàng nào giảm theo.
Vì vậy, trong thời điểm này, không thể để thêm bất cứ một mặt hàng thiết yếu nào tăng giá thêm. Hiện có thông tin rằng tháng 5 hoặc 6 tới đây, ngành điện cũng đòi tăng giá. Nếu hai mặt hàng này cùng đòi tăng giá thì sẽ là những cú sốc rất lớn cho nền kinh tế. Cơ quan quản lý nhà nước cần thận trọng với các công bố liên quan vấn đề này”.
Theo TS Thái Trí Dũng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khi ban hành mỗi chính sách, cơ quan quản lý nhà nước cần phải để ý đến tâm lý, lợi ích của người tiêu dùng, nếu không nó sẽ phản tác dụng. Bài học nhãn tiền là thời gian qua các doanh nghiệp liên tiếp công bố số lượng hàng tồn kho, sản xuất ngưng trệ.
Nguyên nhân là người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm sau tình trạng tăng giá vô tội vạ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dù giảm giá, bán lỗ nhưng vẫn ế khách. Từ đây, ông Dũng cũng cho rằng việc tăng giá bất cứ mặt hàng nào ở thời điểm này cần có lộ trình để tránh gây những cú sốc tâm lý cho người tiêu dùng.
Sẽ rà soát thận trọng! Theo lãnh đạo Cục Quản lý Giá, cơ quan quản lý sẽ rà soát lại một cách thận trọng mới đưa ra quyết định có điều chỉnh giá xăng dầu hay không. “Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, mọi biến động về giá sẽ ảnh hưởng ngay tới tâm lý và đời sống người dân, vì thế chúng tôi sẽ thận trọng tính toán và quyết định. Quan điểm của cơ quan quản lý là phải đảm bảo, điều hành sát với quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ về cơ chế kinh doanh xăng dầu theo thị trường” - lãnh đạo Cục Quản lý Giá nói. __________________________________________ Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, ngày 11-4, Petrolimex có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex ước thực hiện trong quý I. Căn cứ giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ngày 10-4 (được tính trên cơ sở bình quân 30 ngày) mức chênh giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành là 600 đồng/lít đối với xăng, diesel, dầu hỏa và 400 đồng/kg đối với mazut; kể cả doanh nghiệp đã trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít, kg.
Theo Petrolimex, hiện giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 trong nước đang thấp hơn giá bán lẻ mặt hàng cùng loại tại Lào là 4.668 đồng/lít; thấp hơn Campuchia 4.560 đồng/lít; thấp hơn Singapore 13.338 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 4.602 đồng/lít. “Petrolimex đề nghị Bộ Tài chính - Công Thương sớm xem xét quyết định hoặc cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu nhằm từng bước đưa giá bán trong nước bám sát sự biến động của giá thị trường” - ông Năm cho biết. TRÀ PHƯƠNG |
Theo PLTHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng