Tăng trưởng huy động vốn bỏ xa tăng trưởng tín dụng
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 5,69%); huy động vốn của các TCTD tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%), tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6,35% (cùng kỳ năm trước tăng 7,54%).
Như vậy, trái ngược với nửa đầu năm 2017, năm nay, tăng trưởng huy động vốn đã vượt xa tăng trưởng tín dụng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn, khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay từ 4%-5%/năm; 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trước đó, tại buổi họp báo tổng kết 6 tháng đầu năm 2017, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến 31/5/2018, tín dụng đạt mốc 6,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,16% so với cuối 2017.
Bóc tách cơ cấu cho thấy: tăng trưởng dư nợ đối với các ngành nông, lâm thuỷ sản: 6,8%; công nghiệp và xây dựng: 6,83%; thương mại, dịch vụ: 5,7%.
Cùng đó, tín dụng ở 4 lĩnh vực ưu tiên cũng có tốc độ tăng khá; trong đó, “tam nông”: 5,8%; xuất khẩu: 15,64%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao: 6,29%; công nghiệp hỗ trợ: 5,42%; doanh nghiệp nhỏ và vừa: 2,61%.
Ông Tần cũng cho biết thêm, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng đang có dư nợ.
Trong khi đó, dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đạt trên 10.650 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP đạt khoảng 4.800 tỷ đồng; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 179.048 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2017 với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo