Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cao gần nhất châu Á
Tại hội thảo "Cơ hội Đầu tư - Kinh doanh 2018" được tổ chức ngày 5/1, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chỉ ra những thách thức đối với chính sách tín dụng của Việt Nam trong năm 2018. Ông cho rằng, ở góc độ quốc tế, 2018 sẽ là năm mà đa số các quốc gia có chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, và điều đó sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam. Rủi ro thứ hai là, Trung Quốc - quốc gia đang đóng góp khoảng 36% trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có chính sách kinh tế chủ đạo là siết chặt tín dụng. Nợ xấu của quốc gia này cũng rất lớn.
Với Việt Nam, ông bảo lưu quan điểm không thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Ông cho rằng, năm 2018 nên thận trọng tăng trưởng tín dụng với mức khoảng 17%, thay vì mức 19% của 2017.
"Tín dụng đã tăng nhanh và mạnh trong 5 năm vừa qua, đã đến lúc phải thận trọng hơn", ông Lực nói.
Ông cũng cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 17% được coi là cao gần nhất khu vực châu Á. Chỉ số này của Trung Quốc dù được coi là cao nhưng cũng chỉ vào khoảng 15%. Bên cạnh đó, theo ông việc chỉ số trên cần cân nhắc dựa trên năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, tương đồng với mức tăng trưởng của vốn chủ sở hữu bởi nếu áp mức cao sẽ rất rủi ro.
Ông cũng cho rằng nên năm 2018 nên đẩy mạnh hơn tín dụng tiêu dùng hộ. Theo ông, hiện Trung Quốc, ASEAN 5, mức tăng trưởng vào khoảng 34%.
"Tuy nhiên, một trong những điểm cần lưu ý là Việt Nam đang có sự phân định chưa rõ giữa tín dụng tiêu dùng và đầu tư kinh doanh bất động sản. Vì thế, một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam hiện vào khoảng 65%, tôi cho rằng con số không chính xác. Thống kê của chúng tôi chỉ vào vào khoảng 30%", ông nói.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng bàn về những chính sách vĩ mô trong năm 2017 và thách thức của 2018. Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, việc đánh giá về hiệu ứng 2017 và 2018 cần phải bàn một cách nghiêm túc. Bởi theo ông, đối với Việt Nam, mọi sự phấn khởi có thể dẫn đến mất bình tĩnh.
Trước việc nhiều người cho rằng các chỉ số tăng trưởng kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới cao... là kỳ tích, ông Thiên cho rằng có phần say sưa vì thắng lợi.
"Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm nay nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu", chuyên gia nói và nhấn mạnh chất lượng của tăng trưởng GDP, xuất khẩu.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định các tính toán chỉ số vĩ mô của Tổng cục Thống kê là chuẩn xác, không cần hoài nghi. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh không nên bị ru ngủ bởi các chỉ số và Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Theo ông, ở góc độ doanh nghiệp thì nên lường trước các rủi ro như thế nào trong hoàn cảnh sắp tới.
Ông Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính cho biết, phần lớn các nước đạt thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD sau đó tốc độ tăng trưởng đều đi xuống, chỉ có Hàn Quốc và Trung Quốc là ngoại lệ. Việt Nam đã duy trì được 4 năm từ sau năm 2014, nhưng sau đó cũng tốc độ tăng sẽ đi xuống theo quy luật chung. Do đó, ông cho rằng, theo quy luật chung, chu kỳ tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam sẽ kết thúc vào quý III/2018 và đến 2019 sẽ giảm dần, không có đột phá.
"GDP năm 2018 tôi cho rằng chỉ tăng trên 6%, phù hợp với tính toán của các chuyên gia quốc tế. Ngoại trừ có những thay đổi đột phá về công nghệ, về chất lượng nhân lực... thì mới tạo ra tăng trưởng GDP cao hơn", ông Nghĩa nói.
Ông Thiên cũng chỉ ra những thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Theo ông, hiện cơ chế nhà nước còn khó khăn bởi nếu đề xuất bỏ một thủ tục nào đó thì dễ nhưng để thực thi thì mất nhiều thời gian và vẫn là rào cản về môi trường đầu tư.
"Tôi ví dụ, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm hàng trăm thủ tục, nhưng đó mới là đề xuất thôi, chưa ký. Việc cắt giảm này tác động trong năm 2018 như thế nào còn chưa có câu trả lời", ông Thiên nói.
Ông cũng chỉ ra những điểm có thể tạo đột phá cho nền kinh tế trong năm 2018 mà Việt Nam cần lưu tâm. Thứ nhất, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Điều này có thể tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Cùng với đó, Quốc hội cần bàn lại về Luật Đặc khu để ban hành trong tháng 5 tới, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo