Tăng trưởng vẫn dựa vào khai thác tài nguyên
Ngân hàng bảo: Ổn định đi rồi tôi cho vay
Mấy hôm nay, các ngân hàng đồng loạt giảm trần lãi suất cho vay về trên dưới 10%, theo ông thì mức lãi suất này có phải là hàn thử biểu đo chỉ báo của nền kinh tế không?
Nếu để thị trường tự quyết định thì lãi suất là chỉ báo của nền kinh tế. Nhưng lãi suất là công cụ của Ngân hàng Nhà nước để điều hành nền kinh tế như điều tiết lạm phát, điều tiết tăng trưởng... Hàn thử biểu phải nhìn chủ yếu vào hoạt động sản xuất, hàng tồn kho của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản...
Doanh nghiệp cần vốn, ngân hàng cần kinh doanh có lãi. Thế nhưng, một số ngân hàng đang dư thừa vốn đến vài tỷ đô la Mỹ. Vì sao lại có sự bất cập này?
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng sẽ rất e dè khi cho doanh nghiệp vay vì rủi ro lớn là không trả được nợ.
Thông thường doanh nghiệp đi vay thì tài sản thế chấp là nhà. Nhưng trên thị trường bất động sản thì giá nhà đi xuống, tính thanh khoản cũng thấp. Doanh nghiệp khó khăn thì nguy cơ phá sản hoặc giải thể cũng rất cao. Nên dù ngân hàng có thừa vốn và doanh nghiệp đang đói vốn thì ngân hàng cũng không muốn cho vay. Doanh nghiệp đang đói vốn, cần vốn ngân hàng để sản xuất thì ngân hàng lại bảo ông phải ổn định trước đi thì tôi mới cho vay.
Theo ông kinh tế hiện có ốm nặng quá không?
Theo tôi, chỉ cần nhìn vào số lượng doanh nghiệp phá sản giải thể và số đăng ký mới như thế nào là biết được. Nhìn chung số doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn, đình trệ sản xuất, giải thể đóng cửa, trốn thuế... rất lớn. Nó phản ánh bức tranh chung của nền kinh tế đang rất khó khăn, môi trường kinh doanh không tốt.
Theo ông dự đoán liệu tình trạng trên còn kéo dài bao lâu?
Theo tôi, nền kinh tế sau quý 3 hoặc quý 4 sẽ có chiều hướng ngóc đầu lên.
Dựa vào đâu để tin như vậy?
Cuối 2011 đến giờ thì doanh nghiệp khá khó khăn. Hỗ trợ doanh nghiệp là nhằm mục tiêu ổn định sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải là mục tiêu giảm giá. Chính sách thuế sẽ vừa làm tăng tổng cầu, vừa kích thích các hoạt động sản xuất để tăng tổng cung. Nếu sản xuất doanh nghiệp tăng mạnh thì thúc đẩy tăng trưởng nhưng nó cũng có sức ép tăng giá. Vì khi nhu cầu đầu vào tăng với một nguồn cung nhất định thì sức ép tăng giá là bình thường. Nhưng giá cả năm nay không phải là vấn đề lớn nữa. Trước tình hình thắt chặt chi tiêu của người dân thì chính cách doanh nghiệp phải tìm chỗ đứng cho mình bằng sự cạnh tranh và tự phải tái cấu trúc lại chính mình. |
Dựa vào các chính sách thuế và chính sách tiền tệ hiện nay, nó tác động tích cực đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách đó chưa đủ mà phải có những chính sách dài hạn hơn. Ví dụ như giảm hẳn thuế doanh nghiệp xuống còn 20% chứ không phải chỉ giảm cho một vài năm, môi trường kinh doanh, kiềm chế lạm phát ở mức thấp và ổn định. Tiếp đến là tăng tính cạnh tranh của thị trường, không để cấu trúc thị trường méo mó bởi những ông độc quyền nữa.
Tôi vẫn chưa nhìn thấy đáy đâu
Có người cho rằng, nền kinh tế của ta đang ở đáy của chuỗi suy thoái, ông có đồng quan điểm?
Tôi vẫn chưa nhìn thấy đáy đâu. Qua phân tích chuỗi số liệu thì xu hướng tăng trưởng dài hạn đang giảm, tăng trưởng ngắn hạn cũng đi xuống. Nó cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang khó khăn gấp đôi.
Theo ông vì sao lại dẫn đến hệ quả này?
Theo tôi thì do sự yếu kém trong mô hình tăng trưởng tích tụ từ nhiều năm về trước như đầu tư mở rộng, khai thác tài nguyên, lạm phát tăng cao năm 2011, chính sách tiền tệ thắt chặt đẩy lãi suất lên cao, hạn chế tăng trưởng tín dụng và có cả sự tác động của tình hình kinh tế quốc tế như cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Nghĩa là nó có xuất phát từ việc điều hành nền kinh tế chưa thực sự chuẩn?
Một phần là như thế. Mô hình điều hành kinh tế của ta không kịp thời điều chỉnh. Tăng trưởng nhiều năm dựa vào khai thác tài nguyên, đầu tư mở rộng... đều là do chính sách của Chính phủ.
Ông vừa nói đến cả việc khai thác tài nguyên?
Nếu dựa vào khai thác tài nguyên mà phát triển được thì sẽ không có động lực để tìm kiếm các công nghệ mới, cải tiến khoa học kỹ thuật. Giống như một người được chu cấp một khoản tiền cố định nào đó đủ để tiêu dùng, thì họ cũng cứ thế mà ngồi chơi và hưởng thụ thôi, không cần phải lao động nữa.
Chính sách thiếu độ tin cậy
Ban nãy ông có nói là cuối quý 3 hoặc trong quý 4 kinh tế sẽ phục hồi. Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng đáy của kinh tế sẽ xuất hiện trong cuối quý 2. Quan điểm của ông thế nào?
Thực ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vừa rồi, tập trung vào thuế và lãi suất, nếu có tác động thì sẽ rơi vào khoảng quý 3 và 4. Trong quý 2 thì hơi khó.
Nó chưa thể phục hồi ngay trong quý 2 phải chăng bởi những vấn đề mà nền kinh tế đang gặp phải thực sự nghiêm trọng?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và của bản thân tôi là rất nghiêm trọng.
Phải chăng ta đã làm sai?
Năm 2011 lạm phát trên 18%. Theo nguyên lý kinh tế, để kiềm chế lạm phát thì bắt buộc phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ bằng cách đẩy lãi suất lên cao và hạn chế tăng trưởng tín dụng. Nhưng mặt trái của nó là tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất.
Hầu hết các nước khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt luôn xác định đánh đổi tăng trưởng và lạm phát. Tuy nhiên, có những nước thành công trong việc vừa kiềm chế lạm phát mà vẫn đảm bảo tăng trưởng, không sụt giảm lớn là do chính sách tiền tệ có độ tin cậy rất cao.
Ta không thực hiện thành công, ý ông là chính sách tiền tệ của ta chưa có độ tin cậy?
Ở ta thì tái diễn thành chu trình rồi. Bao giờ khi lạm phát tăng cao thì các chuyên gia kêu gọi chính sách tiền tệ thắt chặt và tài khóa thu hẹp. Nhưng khi thắt chặt thì cộng đồng doanh nghiệp kêu khó. Khi đó lại phải thay đổi chính sách để tháo gỡ. Các nước khác đã đưa ra chính sách là họ thực hiện kiên định, không có sự thay đổi.
Doanh nghiệp kêu vì biết tiếng kêu của mình có thể tạo ra sự thay đổi của chính sách. Nếu họ biết rằng chính sách tiền tệ đã thắt chặt thì không có chuyện nới lỏng, họ sẽ không kêu nữa. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải tự tìm cách cứu mình bằng cách giảm giá bán lẻ, xả hàng tồn kho. Khi đó cái sự đánh đổi sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cái này gọi là độ tin cậy của chính sách. Khi chính sách thiếu độ tin cậy thì sự đánh đổi sẽ rất lớn.
Độ tin cậy của chính sách ở Việt Nam thì sao?
Độ tin cậy vào chính sách ở Việt Nam đang tốt lên nhiều. Những năm trước, có thời điểm nó không tốt tí nào. Ví dụ hôm trước đưa ra quy định sẽ không điều chỉnh tỉ giá nhưng hôm sau lại điều chỉnh ngay. Đầu năm bảo sẽ thực hiện thắt chặt, đến giữa hoặc cuối năm khi doanh nghiệp khó khăn thì lại đảo ngược lại.
Việc xây dựng độ tin cậy sẽ mất bao nhiêu thời gian?
Nó phụ thuộc vào cách mà chính phủ điều hành. Năm nay mà tin cậy, năm sau và năm sau nữa cũng thế thì nó hình thành độ tin cậy cho chính sách. Khi đó việc kìm chế lạm phát đánh đổi bằng tốc độ tăng trưởng sẽ ít hơn nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bee
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng