Môi trường

Tăng trưởng xanh sẽ là xu thế tất yếu cho sự phát triển kinh tế của thế kỷ 21

Tăng trưởng xanh không còn là một xu hướng mà trở thành lựa chọn sống còn không chỉ riêng từng quốc gia mà còn của cả thế giới. Mô hình tăng trưởng xanh hướng đến sự phát triển bền vững đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh cũng đang là một tất yếu.

 Tăng trưởng xanh - xu thế tất yếu cho sự phát triển kinh tế của thế kỷ 21

Tại Hội thảo “Tăng trưởng xanh - Ý tưởng ứng dụng tại Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội, khái niệm “tăng trưởng xanh” được đông đảo các chuyên gia kinh tế, môi trường, lãnh đạo các nước phát triển và các tổ chức quốc tế khẳng định là sẽ là xu thế tất yếu cho sự phát triển kinh tế của thế kỷ 21.
 
Giáo sư Eric De Keuleneer - Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Tự do Brussel (Bỉ) cho biết, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo các cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, không chỉ môi trường sống được bảo vệ mà sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ứng dụng tăng trưởng xanh cũng được đảm bảo bền vững.
 
 
Ông Trần Quốc Huân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Friesland Campina Vietnam, cho biết: “Ngày nay, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư, và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp”.
 
 
PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tăng trưởng xanh là nhiệm vụ sống còn nhưng mục tiêu này không dễ gì thực hiện, khi đặt ra mục tiêu rồi thực thi nó như nào mới là điều quan trọng. “Trước đây, chúng ta đã định hướng nền kinh tế phát triển theo hướng khai thác vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác sức lao động giá rẻ, chạy theo làm thuê mà chưa hướng vào phát triển những ngành có đẳng cấp công nghệ cao cho đất nước. Do đó, chúng ta phải tái cơ cấu nền kinh tế vì quá trình phân bổ nguồn lực” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Cần nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh

 
Theo ông Huân, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.
 
 
Tăng trưởng xanh – Con đường hội nhập quốc tế.
 
 
Ông Huân cho rằng, tại Việt Nam, tăng trưởng xanh tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng song chưa thành xu thế do tầm quan trọng của tăng trưởng xanh chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, số đông người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. “Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài” - ông Huân khẳng định.
 
 
Các chuyên gia đã phân tích, với nhiều tính năng và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ xanh tuy nhiên để thực hiện và áp dụng thực tế, Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định, nhất là việc huy động ngân sách để triển khai vì Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển.

"Xanh hóa" - mục tiêu hướng tới tăng trưởng xanh

 
Theo các chuyên gia, để hướng đến tăng trưởng xanh, cần tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
 
 
Trước mắt, cần giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo lộ trình: Giai đoạn 2011 - 2020: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc tế.
 
 
Định hướng đến năm 2030: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20% đến 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức khi có thêm hỗ trợ quốc tế. Định hướng đến năm 2050: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5 - 2%.
 
 
Bên cạnh đó cần “xanh hóa” sản xuất, thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm…
 
 
Đồng thời “xanh hóa” lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.
Theo TNMT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo