Thị trường

Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào

Lãnh đạo hai Chính phủ đã lắng nghe và tháo gỡ một số vướng mắc của các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Lào.

Sáng nay (2/11), tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng nước CHDCND Lào Somsavad Lengsavat đồng chủ trì Tọa đàm kinh tế hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên - Nam Trung bộ Việt Nam với các tỉnh Trung - Nam Lào lần thứ II.

Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các bộ ngành của hai nước, lãnh đạo các tỉnh Trung-Nam Lào và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ Việt Nam, 80 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào. 
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Lào SomxaVad Lengxavat.
 
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo hai Chính phủ đã lắng nghe và tháo gỡ một số vướng mắc của các doanh  nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Lào. Tính đến nay, CHDCND Lào đã cấp 423 dự án cho các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào. Hoạt động đầu tư của các doanh  nghiệp Việt Nam vào Lào tại khu vực Trung Lào và Nam Lào, chiếm 95% tổng số vốn FDI Việt Nam đầu tư vào Lào.
 
Đến hết tháng 9/2014, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào đạt gần 1 tỷ USD, trong đó, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên chiếm 82%. Các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào đã  hoàn thành đưa vào sử dụng đóng góp kinh tế cho Lào, tăng thu ngân sách, góp phần thúc đẩy, tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế Lào phát triển, tạo việc làm ổn định cho  khoảng 300.000 lao động, ổn định đời sống xã hội.
 
Tuy nhiên một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào triển khai chậm, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng. Điều này đòi hỏi Chính phủ và bộ ngành và doanh nghiệp hai nước cần phải nỗ lực hơn tháo gỡ khó khăn vướng mắc, yêu cầu các nhà đầu tư ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại Lào.
 
Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nêu đề nghị, Chính phủ hai nước có chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với những vùng đặc biệt khó khăn, trong đó đặc biệt là những tỉnh đường biên giới hai nước cần phải được hưởng những chính sách khuyến khích ưu đãi cao nhất. Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nguồn điện truyền tải điện, nước, thủy lợi cần được chủ phủ ưu tiên đầu tư và có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với các lợi thế về vị trí địa lý, quan hệ nhân dân gắn bó hữu nghị, Lào nói chung và khu vực Nam, Trung Lào nói riêng có đầy đủ các tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, con người để phát triển nông lâm nghiệp, năng lượng, chế biến khoảng sản, phát triển du lịch. Việt Nam có điều kiện về cảng biển, du lịch, có năng lực tài chính về các  lĩnh vực nêu trên. Đó là thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh đầu tư thương mại hai chiều và hợp tác phát triển du lịch.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tọa đàm. 
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, các cơ quan và doanh nghiệp của 2 nước tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa, có các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp hai bên phát triển đầu tư kinh doanh, tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của hai nước, đẩy nhanh việc hoàn thiện các Hiệp định liên quan đến thương mại, đầu tư, nhanh chóng hình thành cơ chế, chính sách hài hòa, tạo khuôn khổ pháp lý và áp dụng các thủ tục, hỗ trợ thiết thực về tài chính cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp hai nước. Các bộ ngành địa phương có liên quan của hai nước phải thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc rà soát các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
 
“Sau cuộc họp này, các bộ của hai nước, các nhà đầu tư phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép, bảo đảm tiến độ, chất lượng như đã cam kết, chấp hành nghiêm túc pháp luật của Lào. Đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo thêm việc làm, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường, đóng góp thiết thực vào xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Chính quyền các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin trên nhiều cấp độ, đa dạng hóa hình thức hợp tác để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế của địa phương”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
 
Hai phó Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết giữa Đoàn TN hai tỉnh Bình Định và Champasak. 
 
Cũng tại buổi tọa đàm này, các đại biểu nghe báo cáo về chủ trương hợp tác kết nghĩa giữa lực lượng thanh niên hai nước việt Nam và Lào, chứng kiến lễ ký kết quy chế kết nghĩa hợp tác toàn diện, đặc biệt giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định và Đoàn Thanh niên NDCM Lào Champacsak. Nhân dịp này, 6 doanh nghiệp đang làm ăn tại Lào tặng các tỉnh Trung-Nam Lào 140 bộ máy tính.
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo