Thị trường

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam bị đình chỉ chế độ ưu tiên

Tổng cục Hải quan vừa có quyết định đình chỉ áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên đối với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vì Tập đoàn này không đáp ứng được điều kiện về trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu.

Sáng nay (4/2), ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết lý do bị đình chỉ chế độ ưu tiên là doanh nghiệp này đã không đạt được chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu, theo tin tức trên báo Zing news. 

Không đạt được chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm qua, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) bị đình chỉ chế độ ưu tiên. Ảnh: Ngọc An/Zing news. 

Theo quy định, để được ưu tiên, doanh nghiệp phải đạt kim ngạch xuất nhập khẩu (bình quân 2 năm liên tục) từ 100 triệu USD/năm trở lên, số tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan đứng tên đại lý trong năm đạt từ 20.000 tờ khai/năm trở lên.

Trong năm qua, theo báo cáo của VRG, tập đoàn đã khai thác được hơn 250.000 tấn mủ cao su, vượt 3% kế hoạch. Tất cả công ty cao su đều hoàn thành và vượt kế hoạch được giao. Năng suất bình quân đạt 1,62 tấn/ha.

Sản lượng thu mua hơn 70.000 tấn, đạt 120 % so với kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ mủ cao su cho nông dân trồng cao su. Sản lượng chế biến cao su năm 2016 của Tập đoàn đạt  hơn 335.000 tấn, vượt 6% so với kế hoạch; đã tiêu thụ 337.831 tấn cao su các loại, vượt 6% kế hoạch năm.

Tính chung cả ngành cao su, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,26 triệu tấn cao su thiên nhiên, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với năm 2015.

Tuy nhiên, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của tập đoàn không đáp ứng quy định. Nguyên nhân là việc xuất nhập khẩu sản phẩm trước đây đều thực hiện qua công ty mẹ của tập đoàn, nhưng hiện nay được giao trực tiếp cho các đơn vị thành viên thực hiện.

 

Với việc không được hưởng chế độ ưu tiên, VGR sẽ không được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Doanh nghiệp cũng không được sử dụng bộ chứng từ bao gồm hóa đơn thương mại, giấy đóng gói hàng hóa, lệnh giao hàng và bản tự kê khai thuế đóng dấu, ký tên của đại diện doanh nghiệp để thông quan hàng hóa trong trường hợp hệ thống dữ liệu của cơ quan hải quan gặp sự cố hoặc tạm dừng hoạt động, báo Viettimes đưa tin.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan hải quan định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nộp báo cáo thanh khoản với cơ quan hải quan... Các ưu tiên trong giai đoạn sau thông quan cũng sẽ bị bãi bỏ. 

Doanh nghiệp sẽ không được khai hải quan một lần hay được ưu tiên các thủ tục về thuế như trước nữa. Được biết, hiện cả nước còn 56 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Zing news, Viettimes)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo