Tập đoàn kinh tế thí điểm quá lâu
Tiếp sau sự đổ vỡ của Vinashin, những thông tin xung quanh vụ việc tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang khiến dư luận hết sức chú ý về hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Là người từng nhiều lần lên tiếng về tình hình các tập đoàn, ông có ý kiến như thế nào?
Các tập đoàn kinh tế Nhà nước được Chính phủ cho thí điểm hoạt động từ năm 2005 đến nay, do vậy nó hoạt động trong một khung pháp lý không đầy đủ, nhiều lỗ hổng lớn.
Nhiều tập đoàn đang giữ vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường và được hưởng nhiều ưu đãi. Thực tế cho thấy, việc quản lý các tập đoàn nhà nước có nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.
Khi Vinashin đổ vỡ, ông Trần Quang Vũ được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc nhưng được ba tuần thì bị bắt. Còn ông Dương Chí Dũng, vừa bổ nhiệm làm Cục trưởng được gần ba tháng cũng bị bắt. Như vậy, cơ chế bổ nhiệm nhân sự ở đây có vấn đề. Cần nỗ lực cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước càng sớm càng tốt để thu hút thêm vốn, giúp lành mạnh hóa quá trình giám sát nội bộ và công khai, minh bạch hóa quá trình thông tin về hoạt động kinh tế TS Lê Đăng Doanh |
Từ các trường hợp cụ thể như Vinashin đến Vinalines và các tập đoàn khác như EVN, Sông Đà, Viettel, Petro Viet Nam, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thí điểm thực chất là cuộc thí nghiệm mà thí nghiệm phải có mục tiêu rõ ràng, có thời hạn nhất định. Không thể thí điểm kéo dài như vậy được, Chính phủ cần tổng kết việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế và có kết luận rõ ràng.
Nếu tiếp tục duy trì mô hình tập đoàn, thì phải chuyển sang quản lý tập đoàn theo khung pháp luật hoàn chỉnh.
Nếu cần, có thể xây dựng những luật riêng để quản lý các tập đoàn. Ở các nước họ đều có các luật riêng đối với các tập đoàn nắm giữ vị trí độc quyền như điện, dầu khí, hàng không.
Lỗ hổng quản lý các tập đoàn đã được nói đến nhiều. Vậy cần những biện pháp gì để bịt các lỗ hổng này, thưa ông?
Để kiểm soát hoạt động của các tập đoàn, Bộ Tài chính đã đưa ra một số vấn đề về giám sát nhưng vẫn thiếu giám sát độc lập. Phải có những người đứng bên ngoài cuộc, không gắn lợi ích gì cả thực hiện giám sát nó.
Còn như lâu nay, theo phân công của Bộ Tài chính, bộ chủ quản có chức năng giám sát và quản lý nhà nước, nhưng lại không chịu trách nhiệm gì, như vụ Vinashin chẳng hạn. Trong trường hợp nào, thì phải có người chịu trách nhiệm giải trình...
TS Lê Đăng Doanh. |
Những bài học thực tế từ vụ Vinashin đến Vinalines cho thấy hệ thống khung pháp lý cũng như cơ chế quản trị và giám sát của các doanh nghiệp nhà nước đang có vấn đề khá nghiêm trọng.
Những sai phạm ở các tập đoàn kéo dài khá lâu và có tính hệ thống nhưng phát hiện rất muộn. Những sai phạm của Vinalines diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chỉ khi thanh tra mới vỡ ra.
Nếu chúng ta có cơ quan giám sát chặt chẽ thì đã không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Vì vậy, cần xem lại toàn bộ mô hình quản trị doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của người chủ sở hữu vốn nhà nước, lãnh đạo các đơn vị đối với những sai phạm xảy ra.
Công khai tổng nợ của các tập đoàn kinh tế Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điểm nhìn thấy rõ rệt nhất trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua là các tập đoàn đã mở rộng hoạt động rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, mức độ công khai minh bạch lại rất kém và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp. Số nợ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện rất lớn, nhưng không ai biết là bao nhiêu? Con số này cũng cần công khai để dân biết. "Tôi rất buồn lâu nay việc giám sát xã hội với các tập đoàn kinh tế nhà nước rất yếu, kể cả khi xã hội đã thông qua báo chí, các diễn đàn khác nhau để phản ánh nhưng vẫn không thực sự được coi trọng. Nếu coi trọng hơn thì cũng đã giúp ngăn chặn bớt hoặc tạo sức ép nhất định với các doanh nghiệp nhà nước để họ đỡ làm những việc như đã xảy ra trong thời gian qua - bà Lan nói. |
Thi tuyển chọn lãnh đạo
Nhiều ý kiến cho rằng sai phạm xảy ra tại các tập đoàn còn có nguyên nhân từ cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Qua vụ việc ở Vinalines vừa rồi, ông có nhận xét gì?
Như đã nói, về khía cạnh pháp lý và thông tin, trước tiên cần làm rõ trách nhiệm vai trò chủ sở hữu của các tập đoàn, phải công khai minh bạch và phải chịu trách nhiệm giải trình trước dân và trước Quốc hội.
Bên cạnh đó, việc tuyển chọn chức vụ lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện một cách công khai theo hợp đồng trách nhiệm, có giới hạn thời gian.
Gắn liền với thời gian bổ nhiệm đó, phải thực hiện kèm một số mục tiêu nhất định như tăng năng suất lao động bao nhiêu, lãi, giảm chi phí... Dứt khoát không bổ nhiệm vào lãnh đạo tập đoàn, khi không rõ người đó có thể làm được những gì.
Quá trình này phải được xét duyệt công khai. Phải thông qua hội đồng tuyển chọn, ai có đề án và vạch ra được chiến lược kinh doanh tốt, khả thi thì chọn, bỏ phiếu kín để chọn.
Theo tôi, việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn nhà nước nên thực hiện theo hình thức bổ nhiệm theo hợp đồng cam kết trong thời gian 3 năm như các nước đang làm hiện nay.
Năm đầu anh cam kết làm được bao nhiêu, anh làm tốt thì được thưởng bao nhiêu. Làm không tốt thì bị trừ lương, kỷ luật.
Sau ba năm sẽ xem xét bổ nhiệm lại, không bổ nhiệm lại nếu doanh nghiệp làm ăn kém. Việc bổ nhiệm cũng cần gắn với tái cấu trúc tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cần nâng cao vai trò giám sát tối cao của mình, khi đã giám sát cần giám sát tới cùng, phải đeo đuổi mục tiêu giám sát chứ không thực hiện giám sát xong rồi bỏ đấy.
Cảm ơn ông.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo