Thị trường

Tập đoàn Nhà nước "đau lòng" với thu nhập khủng

Đứng đầu danh sách bảng nợ ngân sách, thu nhập khủng lãnh đạo các tập đoàn vẫn than “đau lòng” vì chưa chưa đạt kế hoạch.
23,7 triệu/tháng chưa đạt kế hoạch
 
Theo báo cáo của Bộ Thông tin - truyền thông, năm 2013 tổng doanh thu của VNPT ước đạt 119.000 tỉ đồng, trong đó tổng lợi nhuận đạt 9.265 tỉ đồng, tăng 4.000 tỉ đồng so với năm 2012. Với đà tăng trưởng này, VNPT còn đặt mục tiêu cho năm 2014 tăng trưởng lợi nhuận 7-10% và doanh thu cũng tăng khoảng 10% so với năm 2013.
 
Viettel ước doanh thu năm 2013 đạt 162.886 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35.086 tỉ đồng, lãi ròng gần 26.500 tỉ đồng. Thu nhập của cán bộ công nhân viên tại Viettel đạt bình quân 23,7 triệu đồng/người/tháng, chưa đạt kế hoạch do tập đoàn đề ra. 
 
Điều đáng nói,  kết luận của Thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ rõ, lợi nhuận khủng của các nhà mạng viễn thông năm 2013 một phần có sự đóng góp lớn của việc tăng giá cước 3G, tự ý cài đặt ứng dụng thu tiền vào sim điện thoại di động, thực hiện không đúng các quy định về khuyến mãi dịch vụ viễn thông...
Tập đoàn VNPT thu lợi khủng từ các nhà mạng
 
Thống kê cho thấy, từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, Vinaphone thu về 20,67 tỷ đồng từ ứng dụng IOD. Ngoài ra, VinaPhone phối hợp VASC (thuộc VNPT) cung cấp trang http:10.1.10.50/wapmediav2 có chức năng cho phép nghe, xem, tải thông tin, dịch vụ và tính phí, nhưng không niêm yết rõ ràng giá cước, đem về doanh thu 8,948 tỷ đồng từ 7/2012 đến 5/2013.
 
MobiFone hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung để đưa ra dịch vụ. Doanh thu từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013 là 150,57 tỷ đồng.
 
Theo kết quả thanh tra, việc hoàn trả tiền cho thuê bao bị thu cước từ các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp không được thực hiện triệt để. MobiFone phải hoàn trả 816.756.400 đồng cho người sử dụng, nhưng đến nay vẫn còn 227.628.270 đồng. VinaPhone phải hoàn trả 692.711.560 đồng, nhưng vẫn còn 76.875.860 đồng. Nguyên nhân là do các thuê bao đã rời mạng.
 
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, thu nhập bình quân của nhân viên Viettel năm 2012 là 18 triệu đồng/tháng, tăng 12% so với năm 2011. Nhân viên Tổng công ty bưu chính Viettel nhận lương gần 12 triệu đồng/tháng, lương kỹ sư trưởng có 5 năm kinh nghiệm tại Viện nghiên cứu và Phát triển là 32 triệu đồng/tháng.
 
Chênh lệch đối với nhóm cán bộ quản lý tuy thấp hơn về tỷ lệ tương đối, nhưng cũng lên tới gần 12 triệu đồng/tháng. Nếu như sếp của VNPT thu nhập trung bình 50,8 triệu đồng/tháng thì lãnh đạo MobiFone có thu nhập bình quân gần 63 triệu đồng (lương chỉ là 46,68 triệu đồng).
 
EVN lương 7,3 triệu/tháng, sếp đau lòng
 
Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước cho thấy, khối DNNN có tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước và chiếm 4,89% tổng số nợ phải thu.
 
Một trong những tập đoàn dẫn đầu bảng nợ là EVN với, số nợ phải thu năm 2011 là 275.278 tỷ đồng trong đó Công ty mẹ: 210.324 tỷ đồng trên tổng số nợ 1.292.400 tỷ đồng. Nợ quá hạn của EVN là 10.149 tỷ đồng. 
 
Tuy nhiên, mới đây EVN lại bất ngờ báo lãi lớn, hiện vẫn chưa có kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận của cả năm 2013. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, trong tháng 11/2013, doanh thu bán điện của EVN đạt tới 14.602 tỷ đồng, lũy kế 11 tháng, con số này lên tới 157.000 tỷ đồng, tương đương 7,38 tỷ USD, tăng hơn 21% so với 2012.
 
Sắp tới, theo quyết định 69, EVN được phép tăng giá điện 7%, nguồn thu từ bán điện chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 7 tỷ USD khiến dư luận đặt nghi vấn, EVN đang “dọn đường” cho thời điểm công bố thưởng Tết.
 
Câu chuyện lương, thưởng của EVN từng gây xôn xao dư luận khi Tổng giám đốc tập đoàn này, ông Phạm Lê Thanh cho biết lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng và chia sẻ “rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó”.
 
Sau đó, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri đã giãi bày trên báo chí rằng, lương của lãnh đạo EVN chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/tháng.
 
Tại buổi họp báo, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại EVN.
Tập đoàn EVN lãi lớn
 
Kết quả điều tra cho thấy tiền lương bình quân chung của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn EVN năm 2008 đạt 5,794 triệu đồng/người/tháng, năm 2009 đạt 7,064 triệu đồng/người/tháng.
 
Riêng năm 2010, tổng thu nhập của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn EVN năm 2010 đạt 7,628 triệu đồng/người/tháng, công ty mẹ 14,105 triệu đồng/tháng, khối truyền tải là 11,403 triệu đồng, khối phát điện là 10,387 triệu đồng và khối phân phối là 6,765 triệu đồng/tháng.
 
Nhưng các thành viên trong Hội đồng quản trị của EVN hưởng lương bình quân 37 triệu đồng, người có lương cao nhất là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận mức lương lên tới 51 triệu đồng/tháng.
 
Ông Đinh Quang Tri tự nhận lương của mình là khoảng 40 triệu đồng/tháng.
 
Petrolimex lỗ, lương vẫn cao
 
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỷ đồng nhưng lãnh đạo Tập đoàn vẫn hưởng mức lương cao.
 
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, Petrolimex lỗ 1.671 tỷ đồng. Trong khi đó, lãnh đạo của Tập đoàn cho biết, năm 2012, đang được hưởng lương 40 triệu đồng/tháng, còn Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng.
 
PVN 16,2 triệu, thu nhập cao nhất khối doanh nghiệp nhà nước
 
Theo báo cáo của PVN, doanh thu 10 tháng đạt 627 nghìn tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và nộp ngân sách 145,8 nghìn tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm.
 
Trước đó, theo dự báo của lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết sản lượng khai thác dầu quy đổi năm 2013 ước đạt 25,2 triệu tấn, giảm 800 nghìn tấn so với năm nay.
 
Như vậy, ước tính doanh thu của Tập đoàn cũng chỉ đạt 653,3 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 119,4 nghìn tỷ đồng so với năm 2012.
 
Mặc dù báo doanh thu vượt chỉ tiêu nhưng PVN chưa công bố mức thưởng Tết năm 2013. 
 
Năm 2012, theo báo cáo của Bộ Công Thương, mức thu nhập của PVN dẫn đầu các tập đoàn kinh tế nhà nước với 16,2 triệu đồng và 15,1 triệu đồng.
 
Còn báo cáo của Tập đoàn Than-khoáng Việt Nam (Vinacomin) cho biết, tiền lương bình quân 9 tháng toàn tập đoàn hiện đạt 7,2 triệu đồng/người, bằng 95% kế hoạch và tương đương năm 2012.
 
Mức lương này theo lãnh đạo Vinacomin là  chưa đạt mục tiêu đầu năm mà Tập đoàn đề ra.
 
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo