Tập đoàn, tổng công ty đang nợ hơn 1,3 triệu tỷ đồng
Tại Hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ, ngành nghe các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty báo cáo và phát biểu về những vấn đề đã và đang phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tìm ra các giải pháp phù hợp, trong bối cảnh nền kinh tế 2013 tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.
Trước đó, báo cáo tổng quan tình hình hoạt động và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty năm 2012, định hướng nhiệm vụ năm 2013 của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tổng doanh thu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty năm 2012 đạt trên 1.621.000 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 92% so với kế hoạch năm, nhưng tăng 2% so với thực hiện năm 2011.
Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty có doanh thu lớn như Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu, Viễn thông Quân đội (Viettel), Bưu chính Viễn thông (VNPT), Hàng không, Lương thực Miền Nam, Dệt may, Công nghiệp Cao su.
Năm 2012, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%; tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, giảm 12% so với thực hiện năm 2011; trong đó thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa chiếm 71%.
Ảnh minh họa.
Các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận cao là Dầu khí, Viettel, VNPT, Công nghiệp Cao su, Công nghiệp Than- Khoáng sản, Dệt may, Cảng hàng không; trong khi một số tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận trước thuế giảm so với năm 2011 như Cà phê, Lương thực miền Bắc, Công nghiệp Than - Khoáng sản.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn, tổng công ty thì tổng số lỗ phát sinh khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị lỗ năm 2011, năm 2012 lại tiếp tục lỗ; có 10 tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần), tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.
Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, nợ nước ngoài của các công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty là 158.865 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Một số công ty mẹ có số nợ nước ngoài lớn như Công ty mẹ - Điện lực, Công ty mẹ - Hàng không, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát triển đường cao tốc.
Trong khi đó, nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty là 326.556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản, trong đó nợ phải thu khó đòi là 5.280 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, hệ số nợ trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép, dù xét riêng rẽ, một số đơn vị có tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.
Năm 2012, ngoài những mặt tích cực thì hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2011 và không hoàn thành kế hoạch đề ra; một số tổng công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước tăng rất thấp so với năm 2011 (chỉ tăng 1%, năm 2011 tăng 9% so với năm 2010). Đặc biệt, tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh, trong đó có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính; có tổng công ty tỷ lệ vốn chủ sở hưu/tổng nguồn vốn rất thấp.
Một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay làm cho chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, nợ phải thu khó đòi của một số tập đoàn, tổng công ty khá cao, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Đoàn Huế (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)