Xã hội

Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong năm 2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động vay vốn sản xuất.

TTXVN - Ngày 11/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị rà soát chính sách việc làm, dạy nghề và quan hệ lao động khu vực phía Nam nhằm đánh giá tình hình thực hiện chính sách lao động-việc làm, dạy nghề và bảo trợ xã hội năm 2012.

Hội nghị thống nhất đề ra phương hướng và nhiệm vụ năm 2013 là tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách giải quyết việc làm, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động; tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát và điều tiết quan hệ cung-cầu lao động trong cả nước và khu vực.

Mặt khác, toàn ngành phải tập trung nỗ lực phát triển dạy nghề, xem đây là một trong những nhân tố quyết định thành công và phát triển bền vững của từng địa phương trong toàn vùng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh năm 2013, đi đôi với nhiệm vụ tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách giải quyết việc làm, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, Bộ sẽ tập trung triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động vay vốn sản xuất.

Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, Nhà nước sẽ nâng mức vay vốn cao hơn so với mức hiện tại. Mục tiêu chung là nhằm tạo ra nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo kết quả điều tra lao động, việc làm năm 2012, các địa phương khu vực phía Nam có nguồn lao động dồi dào với hơn 20 triệu người; trong đó, độ tuổi từ 15-29 chiếm hơn 28%, lao động tập trung ở thành thị chiếm 57% (cao nhất cả nước).

Trong khi đó ở Đồng bằng sông Cửu Long, lao động tập trung ở nông thôn là gần 76%. Về chất lượng nguồn lao động, trình độ tay nghề và chuyên môn của lực lượng lao động này được đánh giá là chưa cao, chỉ có khoảng 8,6% lao động đã qua đào tạo nghề.

Năm 2012, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã giải quyết việc làm cho khoảng 850.000 lượt lao động nhưng lại có gần 85.000 người lao động bị mất việc (chiếm hơn 43% tổng số lao động mất việc làm trong cả nước), trong đó vùng Đông Nam Bộ có gần 38.000 người, chủ yếu làm trong các công ty cổ phần, các doanh nghiệp tư nhân và các hợp tác xã.

 

 

Thảo Nguyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo