Xã hội

Tất cả bệnh nhân lao đều được cung cấp thuốc miễn phí

Hàng năm, Việt Nam có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao - một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Bác sỹ khám và điều trị cho bệnh nhân lao. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
 
Trước tình hình này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ
nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia về tình hình mắc bệnh lao tại Việt Nam, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long.
 
- Xin ông cho biết về tình hình mắc lao tại Việt Nam hiện nay?
 
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung: Theo số liệu Báo cáo năm 2012 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao; 12 triệu người hiện mắc lao; 8,8 triệu người mới mắc lao; 13% số người mắc lao có đồng thời nhiễm HIV; 1,45 triệu người tử vong do lao và 650.000 người mắc lao đã bị kháng với đa số thuốc chống lao; 9,7 triệu trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì lao.
 
Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng; đặc biệt, tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia.
 
Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người hiện mắc lao, khoảng 3.500 người mắc lao đã bị kháng với đa số thuốc chống lao và 18.000 người tử vong do lao.
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả song tình hình dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, một số lượng lớn ca bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện tiếp tục chính là nguồn lây. Tình hình lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát lao kháng thuốc còn thấp (25% trong năm 2013).
 
Hoạt động chẩn đoán lao/HIV còn khó khăn, kết quả điều trị lao/HIV chưa cao. Đặc biệt, sự suy giảm về nguồn lực đầu tư do giảm nhanh nguồn viện trợ quốc tế đòi hỏi phải có chiến lược mới trong công tác phòng chống lao với những giải pháp đầu tư đột phá về nhân lực, tài chính cũng như áp dụng các công nghệ mới để giải quyết vấn đề bệnh lao.
 
- Đồng bằng sông Cửu Long có phải là khu vực có số người mắc lao cao nhất cả nước không, thưa ông?

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung: Trong cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có gánh nặng bệnh lao cao nhất với số người mắc và người tử vong do lao chiếm tỷ lệ cao nhất.
 
Nguyên nhân là do hệ thống y tế và điều kiện kinh tế-xã hội ở khu vực này đang có nhiều hạn chế mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư.
 
Tại đây, cán bộ còn thiếu và yếu, điều kiện dân trí chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn khiến cho bệnh lao còn nặng nề. Riêng 6 tháng đầu năm nay, khu vực này đã phát hiện và điều trị cho gần 13.000 bệnh nhân lao chiếm 1/4 số bệnh nhân trong cả nước.
 
Chiến lược chống lao quốc gia đã có kế hoạch xây dựng Cần Thơ là trung tâm của khu vực với nhiều đầu tư từ Trung ương và thành phố để hỗ trợ các tỉnh trong khu vực về mặt kỹ thuật, đào tạo cũng như cung ứng các vật tư, thuốc và trang thiết bị chống lao.

- Ông có nó rõ hơn về kết quả của Chương trình chống lao quốc gia thời gian qua?
 
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung: Chương trình chống lao quốc gia tại Việt Nam đã hình thành và triển khai các hoạt động phòng chống lao từ năm 1986 theo khuyến cáo của WHO. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lao là một dự án trong Chương trình mục tiêu y tế quốc gia. 
 
Từ đó đến nay với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Nhà nước, các nhà tài trợ quốc tế, cùng với sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức, các đối tác, công tác phòng chống lao Việt Nam đã có những kết quả tích cực, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
 
Giai đoạn 1995-2005, sau khi được phê duyệt là một dự án trong Chương trình mục tiêu y tế quốc gia năm 1995, công tác phòng chống lao ở Việt Nam đã đạt được chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới về phát hiện (70% số người bệnh mới mắc) và điều trị khỏi (trên 85%) so với ước tính dịch tễ lúc bấy giờ.
 
Giai đoạn 2006-2010, Bộ Y tế đã chỉ đạo điều tra dịch tễ lao toàn quốc với sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác quốc tế vào năm 2006-2007 để đánh giá chính xác tình hình bệnh lao ở Việt Nam.
 
Năm 2013, Chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% quận, huyện và 100% xã, phường trong cả nước. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận và bảo vệ đạt 100%. 
 
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được duy trì ở mức cao (90,9%), hoạt động xét nghiệm vẫn đảm bảo chất lượng yêu cầu. Đặc biệt số liệu phát hiện bệnh nhân lao dương tính mới giảm trong nhiều năm gần đây.
 
- Ông có thể cho biết về việc cung ứng thuốc phòng chống lao hiện nay và giải pháp của ngành y tế trong việc cấp thuốc và điều trị bệnh lao?
 
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung: Từ khi hình thành đến nay, Chương trình chống lao quốc gia đã cung ứng thuốc chống lao miễn phí cho toàn bộ số bệnh nhân lao được phát hiện.
 
Trong những năm đầu, nguồn thuốc trong công tác phòng chống lao được sự hỗ trợ của quốc tế. Trong 10 năm gần đây, Chính phủ đã đầu tư kinh phí mua thuốc để cấp miễn phí cho người bệnh được phát hiện trong chương trình.
 
Trong giai đoạn hiện nay, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Y tế, thuốc chống lao tiếp tục được cung cấp miễn phí cho tất cả bệnh nhân lao được phát hiện trong chương trình và ở tất cả các cơ sở y tế thực hành chuẩn theo hướng dẫn của chương trình quốc gia.

- Xin cảm ơn ông!
Vietnam Plus
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo