Pháp luật

Tát mương bắt cá ăn Tết ở quê tôi

Năm nào cũng vậy, đúng 30 Tết là người dân quê tôi lại tát mương bắt cá ăn Tết. Trong tiết trời se lạnh ngày cuối năm, tận tay bắt từng con cá trong mương mới cảm nhận hết được những điều thú vị, nét văn hóa đặc trưng của dân quê miền Tây sông nước.
Như đã thành thông lệ, cứ tầm tháng 10 âm lịch, người dân Vĩnh Long quê tôi chuẩn bị đắp mương để có cá tép mà ăn ngay dịp Tết. Trên những miếng liếp được lên sẵn, có những cái mương nhỏ dùng để lấy đất bồi vườn, người dân chọn những cái mương thật sâu, thật dài để be bờ cho ứ nước. Hằng ngày, lấy cám ra rãi xuống mương để “nhử” cá, tép vào mương, lâu ngày cá tép sẽ tụ hội về mương làm nơi “trú ngụ”.

Làm cá tát mương để chuẩn bị nấu nướng đón Tết (Ảnh: Hoàng Lê)

 
Nhà tôi khi ấy cũng có vài cái mương được cha tôi chuẩn bị để đón Tết. Mỗi buổi sáng, tôi được giao nhiệm vụ lấy cám ra cho cá tép ăn, khi rãi cám xuống mương, cám nổi lềnh bềnh trên mặt nước, cá lòng tong thi nhau nổi lên, lâu lâu có cá mè bơi 1 đường xé nước trông thật thích mắt. Cứ sáng dậy, anh em chúng tôi lại tranh nhau cho cá ăn; cha tôi thấy vậy nên phân công cho chúng tôi mỗi đứa cho cá ăn một ngày.
 

 

Thường công việc tát mương chỉ được diễn ra đúng ngày 30 tháng Chạp, bắt cá tép để cúng ông bà và chuẩn bị các món ăn dùng trong 3 ngày Tết. Cứ đến ngày ấy, bà con trong làng í ới gọi nhau tranh thủ lúc hừng đông bắt cá đến trưa là có cá tép mang vào nhà để chế biến các món. Lũ trẻ chúng tôi thì chờ đợi đến ngày 30 Tết là mang thau, rổ ra mương, cùng nhau lội xuống mương bắt cá.

 

 

Nhớ lại lúc tát mương ở quê mà tôi lại nhớ về quê hương da diết. Nhà tôi đông anh em nên cứ tranh nhau mà bắt cá, cha tôi thấy vậy cũng chiều để chúng tôi “tự do” lội xuống mương. Khi bắt cá phải lội sình lầy, mặt đứa nào đứa nấy lấm lem sình đất, thỉnh thoảng có đứa bắt được con cá lóc là la toáng lên, cười nói vang vang làm cho buổi tát mương quê tôi càng thêm ồn ào, náo nhiệt.

 

Bắt cá xong, nếu còn sớm thì chúng tôi lấy rổ sang các mương của làng xóm xung quanh để “bắt hôi” (cá nhỏ còn sót lại), bà con thấy thương tình nên chừa cá lại cho anh em tôi bắt.

 Cá lòng tong – loại cá bắt được nhiều nhất khi tát mương ở miền Tây (Ảnh: Hoàng Lê)
 
Cá tát mương chủ yếu là các loài nhỏ, nhiều nhất là cá lòng tong; có khi may mắn được tôm tép thì mang ra chợ bán lấy tiền sắm Tết. Cá nhỏ ăn một bữa không hết, cha tôi mang ra phơi nắng để dùng, cá khô có thể để ăn lâu ngày, có khi hết Tết rồi mà chưa hết cá.
 
 
Người dân quê tôi đến Tết là “thủ” sẵn keo cá lòng tong phơi khô để tiếp đãi bà con, bạn bè; món này được ăn kèm với dưa cải chấm kèm với nước tương. Những ai vui Tết ở miền Tây đều rất thích món ăn này, bởi mùi vị ngon ngọt còn vương mùi kinh rạch, sông nước.
 


Trong thời buổi kinh thị trường đang phát triển như vũ bão, người dân quê tôi vẫn luôn luôn đắp mương bắt cá để đón Tết cổ truyền. Đối với tôi – người con xa xứ, vẫn luôn hướng về quê hương với niềm nhớ thương, trân quí. Năm nay tôi cũng sẽ trở lại quê nhà đúng ngày 30 âm lịch để nghe bọn trẻ quê í ới gọi nhau tát mương bắt cá chào đón xuân về

Theo Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo