Thị trường

Tàu ma trăm tỷ bán rẻ hơn sắt vụn

Sau hơn một năm bị bỏ mặc tại khu vực Hòn Miều (Quảng Ninh), tàu Speedy Falcon của Công ty Vận tải Dầu khí (thuộc Vinalines) đã được kéo vào bờ, bán với giá bằng một phần sáu mức đầu tư và rẻ hơn giá sắt vụn.
Đầu tháng 11-2012, dư luận đặc biệt quan tâm tới tình trạng nhiều con tàu "ma" tải trọng hàng chục nghìn tấn, nằm trôi nổi ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trong tình trạng gần như bị bỏ hoang.
 
Một trong số đó là trường hợp tàu Speedy Falcon, thuộc sở hữu của Công ty Vận tải dầu khí (Falcon Shipping - Tổng công ty Hàng hải).
 
Theo số liệu của Đăng kiểm Việt Nam, con tàu này có trọng tải gần 64.300 tấn, đóng năm 1981 tại Nhật và hiện treo cờ Mông Cổ.
 
Neo đậu trong cảnh gần như bị bỏ hoang tại khu vực gần Hòn Miều từ tháng 11-2011, đến cuối năm 2012, con tàu này được kéo về Công ty đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng), sau khi bán cho đối tác là Công ty Vật tư thiết bị Vietship (thuộc Vinashin).
 
Theo tiết lộ của lãnh đạo Vietship, mức giá mua tàu là 70 tỷ đồng, bằng một phần sáu so với giá 420 tỷ đồng Falcon Shipping phải trả (trên sổ sách) khi mua tàu năm 2008.
 
Tính trên tổng trọng lượng rỗng của tàu (11.408 tấn), giá bán như vậy chỉ tương đương khoảng 6 triệu đồng một tấn thép, thấp hơn cả giá sắt vụn ở thời điểm hiện tại (khoảng 8,4 - 8,9 triệu đồng một tấn).
 
 
Con tàu hơn 6 vạn tấn được bán với giá rẻ hơn sắt vụn. Ảnh: H.A
 
Cũng theo thông tin từ phía Vietship, trước khi mua lại, tàu Speedy Falcon đã bị một ngân hàng thương mại - đơn vị cho Falcon Shipping vay vốn đầu tư tàu trước đây - tiến hành giải chấp và đổi tên thành AMC 03.
 
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên mua bán tàu cũ tại Hải Phòng, do đặc điểm tàu biển là khấu hao rất nhanh nếu không hoạt động, nên giá trị tàu có thể giảm khoảng 20% nếu không hoạt động trong vòng một năm.
 
Thêm vào đó, thị trường vận tải suy giảm cũng phần nào ảnh hưởng đến giá tàu. “Tuy nhiên, mức giá 70 tỷ đồng cho con tàu hơn 6 vạn tấn nêu trên là quá rẻ”, ông này nhận định.
 
Về số phận con tàu sau khi được sang tay, theo công văn được phía Vietship gửi tới Công ty đóng tàu Phà Rừng, mục đích của việc đưa tàu vào nhà máy là để "kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa”.
 
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành hàng hải, với việc bị “bỏ hoang” ngoài vịnh cả năm trời, con tàu khó có thể hoạt động trở lại và chỉ có khả năng duy nhất được tính tới là phá dỡ.
 
Trong khi đó, tàu AMC 03 hiện nay đã 31 tuổi và đang treo cờ Mông Cổ. Theo quy định hiện hành, con tàu này sẽ không đủ điều kiện để được phá dỡ tại Việt Nam.
 
 
 
 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo