Quốc tế

Tàu và máy bay Trung Quốc làm Hoa Đông dậy sóng

(DNVN)-Một loạt các sự cố quanh khu vực Biển Hoa Đông trong những ngày gaafnd đây đã khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Biển Hoa Đông đã dậy sóng sau khi Trung Quốc điều tàu và máy bay tới khu vực này.

Theo nhận định của giới phân tích, việc Trung Quốc điều tàumáy bay tới Biển Hoa Đông trong thời gian gần đây đã khiến khu vực này dậy sóng, đẩy quan hệ Trung - Nhật vào tình trạng căng thẳng.

Nhật Bản nổi giận với Trung Quốc

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu hồi đại sứ Trung Quốc Cheng Yonghua vào sáng sớm ngày 09/6 sau khi một tàu hải quân Trung Quốc đi vào "khu vực tiếp giáp" ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

"Đây là một hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng. Tôi rất lấy làm quan ngại", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani phát biểu với báo giới. 

Trung Quốc thường điều tàu tới khu vực quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku (Ảnh Radio Australia)

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tàu hải quân Trung Quốc đã tiến vào khu vực phía Đông Bắc đảo Kuba, một đảo thuộc quần đảo Senkaku, vào đầu giờ chiều 08/6. Các tàu tuần tra của Trung Quốc thường tiến sát hoặc vào khu vực quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một tàu hải quân Trung Quốc áp sát quần đảo tranh chấp này.

Phát biểu trước các phóng viên ngày 9/6, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga cũng cho biết, vụ tàu hải quân Trung Quốc giữa đêm qua tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông là hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng. 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, họ đã biết thông tin vụ việc, và cho rằng các nước khác không có quyền soi mói đến các hoạt động của họ tại Senkaku/Điếu Ngư.

"Quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Việc các tàu Trung Quốc tới các khu vực thuộc quyền tài phán của chúng tôi là hợp pháp. Các nước khác không có quyền đưa ra những tuyên bố mang tính xoi mói", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố đăng tải trên website của bộ này. 

Vụ việc trên diễn ra sau khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này có những tín hiệu cải thiện. Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đã lạnh nhạt trong những năm gần đây do lịch sử chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ. 

 

Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thành công trong việc xoa dịu căng thẳng với việc tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những sự cố trong thời gian gần đây có nguy cơ tái diễn căng thẳng trong quan hệ song phương. 

Các tàu tuần tra biển của Nhật và Trung Quốc thường xuyên đối đầu tại khu vực xung quanh chuỗi đảo này khi cả hai phía đều thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bên nào từng triển khai chiến hạm tới các vùng biển xung quanh, bởi hành động như vậy làm bùng nổ căng thẳng.

Trước đó, hôm 07/6, hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, một chiến đấu cơ Trung Quốc có hành động đánh chặn "không an toàn" một máy bay do thám Mỹ tại không phận quốc tế trên khu vực Biển Hoa Đông. Cụ thể là chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã đánh chặn máy bay do thám RC-135 của Không quân Mỹ trên Biển Hoa Đông. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Mỹ đã đã cố tình thổi phồng vụ việc. 

Hai quan chức giấu tên này cho hay, phi hành đoàn coi vụ đánh chặn này là "không an toàn" bởi vì máy bay của Trung Quốc bay với tốc độ cao.

Nhật Bản lo ngại Nga - Trung phối hợp "khoe" sức mạnh

 

Tình hình càng phức tạp hơn đối với chính quyền Tokyo khi 3 tàu hải quân của Nga cũng tiến gần Senkaku gần như cùng thời điểm với tàu Trung Quốc hôm 08/6. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, họ đang điều tra xem liệu các hành động của Trung Quốc và Nga có liên quan với nhau hay không. Nhật Bản lo ngại khả năng một cuộc phô trương sức mạnh phối hợp giữa Bắc Kinh và Matx-cơ-va.

Nhật Bản đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh G7 trong năm nay với vai trò chủ trì để chỉ trích Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của họ. Các ngoại trưởng G7 đã ra một tuyên bố bày tỏ thái độ phản đối bất cứ hành động "đe dọa, cưỡng chế hay khiêu khích nào" tại Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên hành động theo luật pháp quốc tế. Và Trung Quốc đã phản ứng một các giận dữ. 

Giới phân tích nhận định, Trung Quốc cũng có thể phản ứng trước một cuộc tập trận hải quân chung giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ gần đảo Okinawa, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Theo đó, Trung Quốc có sẽ có phản ứng đáp trả mạnh mẽ với Mỹ và Nhật Bản. 

Căng thẳng về lãnh thổ tại châu Á đang gia tăng trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) ở Biển Đông. Hiện Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm đồng minh trước khi PCA đưa ra phán quyết. Mới đây, Trung Quốc bất ngờ tử tế với Philippines hòng lấy lòng Tổng Thống mới đắc cử của nước này. Theo đó, Bắc Kinh đã "để yên" cho tàu cá của Philippines quay lại Bãi Cạn scarborough đánh bắt một cách thoải mái.

Nên đọc
NM (Theo Bloomberg)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo