Taxi không giảm cước là thiếu sòng phẳng
Nhiều lúc xăng chỉ tăng 500 đồng/lít thì các hãng taxi ào ào tăng giá. nhưng khi xăng giảm mạnh, họ lại trì hoãn hoặc giảm cước nhỏ giọt.
Hôm qua (5-2), khi gọi đến tổng đài của hãng taxi Vinasun, chúng tôi được thông báo mức giá trung bình hãng đang áp dụng với các loại xe bốn, bảy chỗ một dàn lạnh, bảy chỗ hai dàn lạnh lần lượt là 15.000, 16.000 và 17.000 đồng/km. Đây là mức giá đã điều chỉnh đang được áp dụng đồng thời với mức giá chưa điều chỉnh (cao hơn khoảng 500 đồng/km). Hãng taxi Mai Linh cũng có cách làm tương tự vì đang chờ hoàn tất việc kiểm định lại đồng hồ cước taxi…
“Đã cân nhắc, giảm phù hợp”
Đầu tháng 2, các hãng taxi đang hoạt động ở TP.HCM đồng loạt thông báo giảm giá cước. Trong đó, các hãng Vinasun, Mai Linh, Airport, Hoàng Long… có mức giảm 500 đồng/km; hãng Savico giảm 500-1.000 đồng/km tùy loại xe…
Theo ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Vinasun taxi, trong tháng 11-2014 và đầu tháng 1-2015, Vinasun taxi có hai lần giảm cước taxi với mỗi lần 500 đồng/km. Nhưng sau đó giá xăng dầu có đợt giảm sâu (gần 2.000 đồng/lít), hãng tiếp tục giảm thêm 500 đồng/km, bắt đầu từ ngày 2-4.
Giải thích lý do vì sao giá xăng dầu giảm sâu nhưng giá cước taxi lại giảm nhỏ giọt, ông Hỷ cho hay mức giảm như vậy là phù hợp. “Hoạt động của taxi có hai đặc điểm mà có thể nhiều khách hàng chưa biết. Đó là mỗi đợt tăng hay giảm giá, các hãng taxi phải tốn kém một khoản chi phí lớn cho việc kiểm định lại đồng hồ. Ngoài ra, taxi không phải cứ chạy là có doanh thu mà có khi chạy cả ngày, tiêu tốn nhiên liệu vẫn không có khách, tức không có đồng nào. Xe đò được phụ thu chiều rỗng nhưng với taxi, khách hàng chỉ nhìn đồng hồ mà trả cước thôi” - ông Hỷ nói.
Cụ thể hơn, ông Hỷ cho biết các chi phí để chi trả việc kiểm định đồng hồ (khoảng 105.000 đồng/xe) và phí in đề can niêm yết giá cước, nhắc nhở hành khách… thì với khoảng 5.400 xe, hãng tốn kém khoảng 600 triệu đồng cho mỗi lần điều chỉnh giá cước. Cạnh đó, các hãng taxi còn mất thu nhập do phải huy động xe xếp hàng rồng rắn chờ lập trình lại đồng hồ.
Một số hãng taxi khác cũng có quan điểm như lãnh đạo hãng taxi Vinasun.
Không giảm là thiếu công bằng
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác của người trong cuộc, ông Dương Tiến Thự, Chủ nhiệm HTX taxi 27-7 (quận Gò Vấp), lại cho rằng các xe của hãng vừa được đầu tư mới với chất lượng tốt nhưng vẫn giảm giá cước mạnh so với nhiều hãng khác và vẫn đảm bảo có lời (đơn vị này có giảm giá cước nhiều nhất so với các hãng khác là 1.500-2.000 đồng/km).
“Trong cơ cấu giá cước taxi, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% và phần còn lại là lương, khấu hao… Các hãng taxi khác có nhiều lý do để không giảm nhiều, theo tôi là vì khi giảm sẽ buộc hãng tăng lợi nhuận cho tài xế và giảm mức khoán. Nếu không có thể dẫn đến các taxi đình công. Thêm nữa hiện một số hãng taxi có bộ máy cồng kềnh và chi phí cho đội ngũ này cũng từ thu nhập của lái xe, được tính vào giá cước. Ngoài ra, các hãng taxi còn cạnh tranh nhau về bến bãi, trong đó có nơi phải chi trả 50 triệu đồng/tháng để đậu xe chờ khách” - ông Thự chia sẻ.
Cũng theo ông Thự, về khoản chi phí việc tốn kém cho việc kiểm định lại đồng hồ, in đề can, niêm yết giá (từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng/hãng taxi) thì đó là các chi phí được hoàn thuế chứ không mất. Do vậy, không thể viện dẫn để lý giải cho việc trì hoãn hoặc giảm giá nhỏ giọt.
“Điều này là không công bằng với hành khách vì nhiều lúc xăng chỉ tăng 500 đồng/lít thì taxi đã ào ào tăng giá. nhưng khi xăng dầu giảm mạnh thì họ viện nhiều lý do để trì hoãn hoặc giảm cước nhỏ giọt…” - ông Thự nói.
Theo Pháp luật TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo