Quốc tế

Tây Ban Nha: Bắt cóc hàng ngàn trẻ sơ sinh

Cả Tây Ban Nha đang hồi hộp theo dõi phiên tòa xử xơ Maria Gomez Valbuena, nghi can đầu tiên trong đường dây đánh cắp hàng ngàn trẻ sơ sinh để đem bán trong nhiều thập niên qua.

Chính quyền Tây Ban Nha mới đây tuyên bố sẽ thành lập một ngân hàng dữ liệu ADN để tìm lại hàng ngàn trẻ sơ sinh đã bị đánh cắp từ thập niên 1950 đến thập niên 1990 bởi một đường dây bao gồm cả các nữ tu, linh mục và bác sĩ trên toàn quốc. Các công tố viên Tây Ban Nha đang tiếp nhận và xử lý ít nhất 3.000 trường hợp, nhưng nhà chức trách thừa nhận con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần.

 

Ngày 12-4, tòa án Madrid đã xét xử nghi can đầu tiên của đường dây đánh cắp trẻ sơ sinh. Đó là xơ Maria Gomez Valbuena, 87 tuổi, thuộc Dòng nữ tu Bác ái. Xơ Maria Gomez bị buộc tội bắt cóc một bé gái sơ sinh từ một bệnh viện ở Madrid trong thập niên 1980. Tại tòa án, xơ Maria Gomez từ chối đưa ra lời khai. Hàng trăm người tụ tập bên ngoài tòa án đã lớn tiếng sỉ vả bà là “đồ vô liêm sỉ”, “bà có biết mình đã gây bao đau khổ không?”.

 

Bị cướp đi từ khi mới sinh

 

Năm năm trước, tại Barcelona, trước giờ hấp hối, ông Juan Moreno đã tiết lộ cho con trai mình là Juan Luis một bí mật mà ông đã giấu kín bao năm qua. Ông đã mua cậu từ một nữ tu vào năm 1969 với giá 150.000 peso, còn đắt hơn cả căn hộ họ ở. Giấy khai sinh của Juan Luis bị làm giả. Cha mẹ người bạn thân của anh là Antonio Barroso cũng đã mua con mình từ chính nữ tu đó. “Cha mẹ nuôi rất yêu thương tôi, nhưng cuộc đời tôi hóa ra là sự dối trá” - Juan Luis đau đớn.

Juan Luis chỉ là một trong số hàng ngàn người Tây Ban Nha bị bắt cóc từ khi mới lọt lòng. Kịch bản chung của hầu hết mọi trường hợp là các nữ tu trong vai trò bà đỡ, linh mục, bác sĩ nói với những phụ nữ nghèo mới sinh con rằng con của họ đã chết sau khi sinh. Thế nhưng, những đứa trẻ bị đánh cắp này sau đó được bán cho những cặp vợ chồng giàu có nhưng vô sinh. Giấy khai sinh của các bé bị làm giả để biến cha mẹ nuôi của chúng thành cha mẹ đẻ.

 

Trường hợp gây kinh hoàng nhất là việc cảnh sát phát hiện tại một phòng khám ở Madrid có tên San Ramón, các bác sĩ và hộ lý thậm chí còn giữ một đứa trẻ sơ sinh đã chết trong tủ lạnh để chứng minh với các bà mẹ rằng con của họ đã chết.

 

Cảnh sát Tây Ban Nha bắt đầu điều tra một số trường hợp vào đầu thập niên 1980, nhưng mãi đến một hai năm gần đây cuộc điều tra quy mô toàn quốc mới bắt đầu. Luật sư Enrique Vila, đại diện nhiều gia đình mất con, cho biết hiện tượng này bắt đầu từ thời nhà độc tài Franco. Khi đó các nhóm ủng hộ Franco đi cướp con cái của những người đối lập.

 

Tội phạm có tổ chức?

 

Vụ kiện xơ Maria Gomez bắt đầu khi một nạn nhân là bà Marisa Torres công khai tố cáo việc nữ tu này đã buộc bà phải cho đi con gái mình tại Bệnh viện Santa Cristina ở Madrid năm 1982. “Tôi vẫn còn đang lơ mơ khi hỏi bà ta con gái tôi đang ở đâu - bà Torres kể - Bà ta lên tiếng đe dọa sẽ lấy đi đứa con gái thứ hai của tôi và tống tôi vào tù vì tội ngoại tình nếu tôi hỏi nhiều”. Năm 2011, chính cô Pilar, 29 tuổi, con gái của bà Torres, được bố mẹ nuôi tiết lộ sự thật và đi tìm mẹ đẻ. Cô đến gặp xơ Maria Gomez, và bà này nói cho cô biết mẹ ruột cô là một gái điếm. “Hãy quên mụ ta đi” - xơ Maria Gomez nói với Pilar. May mắn cho bà Torres và Pilar là nhờ công nghệ xét nghiệm ADN, hai mẹ con đã tìm lại được nhau.

 

Bất chấp việc truyền thông đưa tin về hàng trăm trường hợp bắt cóc trẻ sơ sinh từ thập niên 1980, Chính phủ Tây Ban Nha vẫn lảng tránh vấn đề này mãi cho đến vài năm gần đây. “Thật đáng buồn khi hệ thống tư pháp Tây Ban Nha không hoàn thành công việc của mình” - nạn nhân Juan Luis bức xúc. Anh cùng người bạn Barroso đã thành lập Tổ chức Anadir để hỗ trợ các nạn nhân tìm lại người thân và xây dựng ngân hàng ADN. “Chúng tôi đã trao cho chính phủ hàng trăm giấy khai sinh giả mạo, giấy báo tử giả mạo. Chúng tôi đã mở ra những cái quan tài trống rỗng (của trẻ sơ sinh bị cho là đã chết) và lấy được hàng trăm lời khai. Vậy mà Chính phủ Tây Ban Nha vẫn thụ động” - anh Juan Luis nói.

 

Gia đình các nạn nhân đang mở chiến dịch tìm lại con cái trên Internet, qua các trang mạng xã hội như Facebook. Cảnh sát Tây Ban Nha cũng bắt đầu điều tra các vụ buôn bán trẻ sơ sinh có tổ chức ở Valencia, xứ Basque, Madrid, Catalonia, Andalusia, quần đảo Canary... “Đây rõ ràng là một mạng lưới bắt cóc trẻ sơ sinh có tổ chức kiểu như mafia - luật sư Enrique Vila khẳng định - Nếu không thì làm sao những đứa trẻ sinh ở Valencia lại có thể rơi vào tay các gia đình ở Galicia cách đó cả ngàn kilômet?”.

 

Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Alberto Ruiz Gallardon mới đây đã thừa nhận xìcăngđan bắt cóc trẻ sơ sinh là “một bi kịch khủng khiếp”, và khẳng định chính phủ sẽ mở cuộc điều tra toàn quốc để giúp các nạn nhân tìm lại người thân.

 

 

Theo Tuổi trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo