Techcombank “tự ý” thu hồi nợ: Nếu có án mạng, ngân hàng có chịu trách nhiệm?
Sau khi thông tin vụ việc, vào chiều ngày 04/11, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc chính thức với đại diện của ngân hàng Techcombank để làm rõ hơn về vụ việc này.
Tại buổi làm việc, ông Thiệu Ánh Dương – Giám đốc AMC (Công ty quản lý nợ của Techcombank) cùng các cộng sự đại diện cho ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank thông tin về vụ thu hồi tài sản thế chấp căn nhà số 41 ngõ 12, phố Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội. Quan điểm của phía ngân hàng khẳng định việc ngân hàng tiến hành thu hồi tài sản thế chấp đối với căn nhà nói trên là hoàn toàn hợp lý và đúng quy trình.
Theo ông Dương, phía gia đình ông Nguyễn Văn Kính và bà Nguyễn Thị Kim Dung đã mang ngôi nhà này cùng một số tài sản khác thế chấp cho ngân hàng để Công ty Thép Việt Thanh lấy vốn sản xuất kinh doanh. Sau khi vay vốn của Techcombank công ty Thép Việt Thanh đã vi phạm các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng đã kí kết khi không thanh toán khoản nợ. Phía ngân hàng đã nhiều lần gửi công văn, gặp mặt trao đổi cùng vợ chồng ông Kính để tìm cách tháo gỡ tuy nhiên cả hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Trước khi tiến hành cho người xuống thu giữ tài sản đảm bảo, phía ngân hàng cũng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, gửi thông báo đến khách hàng, đơn vị đang thuê sử dụng và chính quyền địa phương.
Liên quan đến thông tin về việc ngân hàng Techcombank cho người đến thu giữ tài sản trong đêm, ông Dương cho biết hoàn toàn không có chuyện đó. Trước khi tiến hành thu hồi tài sản, ngày 11/10 đại diện của làm việc với bên Trung tâm ngoại ngữ (đơn vị dang thuê sử dụng), trưa ngày 13/10 người của ngân hàng mới đến thu hồi tài sản thế chấp sau khi phía đơn vị thuê đã di chuyển hết tài sản của mình khỏi căn nhà nói trên. Lực lượng bảo vệ khóa cửa và cắt cử người trông coi để đảm bảo tài sản này không bị xâm phạm. Tối 15/10 ông Kính cùng người thân mới đến trình báo công an Phường sở tại.
Để chứng minh, ông Thiệu Ánh Dương đưa ra biên bản làm việc với bà Đoàn Thị Phương T. và ông Nguyễn Tùng L. (hai người đại diện của Trung tâm ngoại ngữ) ngày 11/10 và cho rằng phía hai người này là đơn vị đang giữ tài sản đảm bảo đã bàn giao tài sản theo quy định tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên trước phân tích về việc phía Trung tâm ngoại ngữ chỉ là đơn vị đi thuê, đơn vị này di chuyển toàn bộ tài sản khỏi căn nhà số 41 là để tránh những rắc rối gặp phải; Đơn vị này chỉ được phép bàn giao tài sản lại cho chủ nhà và không có bất kì quyền định đoạt nào đối với căn nhà nói trên, đồng thời tại Nghị định 163 cũng không có bất cứ điều khoản nào khẳng định đơn vị đi thuê chính là “bên giữ tài sản đảm bảo”. Đại diện phía ngân hàng thừa nhận biên bản đó không có giá trị pháp lý và việc đại diện Trung tâm ngoại ngữ đang thuê nhà có kí vào biên bản bản hay không cũng không quan trọng.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc trước khi cho người xuống thu hồi tài sản thế chấp, phía ngân hàng có thông báo cho công an và chính quyền địa phương hay không? Đại diện ngân hàng khẳng định đã làm đúng quy định là gửi thông báo về chính quyền địa phương từ trước đó hơn một tháng song thừa nhận không có lịch thu hồi cụ thể.
Khi phóng viên cung cấp thông tin, một lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa khẳng định ngoài thông báo trước đó thì UBND Phường không hề biết thời điểm nào thu giữ cho đến khi công an Phường gọi điện thông báo sang thì mới hay. Phía đại diện ngân hàng cho biết có thông báo trước cho phía công an phường nhưng chỉ thông báo bằng… miệng (?!)
Về việc lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa nói: Nếu biết trước thì sẽ không đồng ý việc thu hồi này, cùng với quan điểm của đại diện UBND Phường Ô Chợ Dừa tại biên bản làm việc tối ngày 15/10 cho biết ngân hàng Techcombank tự ý thu giữ tài sản đảm bảo, UBND Phường đã từ chối tham gia chứng kiến và chỉ tham gia khi nào ngân hàng xử lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đại diện phía ngân hàng cho rằng: Việc chính quyền địa phương không tham gia chứng kiến thì cũng không có gì sai vì UBND Phường không có chức năng trong vấn đề ấy còn phía ngân hàng thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thu hồi tài sản thế chấp.
Lý giải của phía đại diện ngân hàng là vậy tuy nhiên UBND phường với chức năng quản lý xã hội, một vụ việc xảy ra trên địa bàn, UBND Phường đương nhiên phải có trách nhiệm. Việc UBND phường từ chối tham gia có nghĩa là giữa chính quyền địa phương với ngân hàng chưa thống nhất được quan điểm xử lý.
Trước câu hỏi của phóng viên: Nếu trường hợp việc cưỡng chế, thu hồi tài sản dẫn đến xô xát thậm chí án mạng mà không có mặt của công an cũng như chính quyền địa phương thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai và vấn đề an ninh trật tự khi đó ai đảm bảo? Ông Dương không trả lời vào nội dung chính của câu hỏi mà chỉ nói “chính vì báo trước rồi nên mới không xảy ra việc gì xảy ra”.
Phía ngân hàng khẳng định đã thông báo trước khi cho người xuống thu hồi tài sản, tuy nhiên nếu ngân hàng làm đúng thì vì lí do gì tại biên bản làm việc tối ngày 15/10 phía công an phường Ô Chợ Dừa lại “kiến nghị và yêu cầu” ngân hàng rút bảo vệ ra khỏi căn nhà nói trên? Trước câu hỏi này, ông Dương cho rằng phải dựa trên sự hợp lý hay không hợp lý, yêu cầu đó dựa trên cơ sở nào. Mong muốn của họ là như thế tuy nhiên phía ngân hàng thực hiện đúng với quy định của pháp luật theo Nghị định 163/2006/NĐ- CP.
(Còn nữa…)
End of content
Không có tin nào tiếp theo