Xã hội

Tết đến, doanh nghiệp khổ vì nạn... xin tiền

Đã 5 năm nhưng hẳn nhiều người còn nhớ vụ một trưởng công an phường thuộc quận Thanh Xuân, TP Hà Nội bị cách chức vì ký công văn xin doanh nghiệp hỗ trợ tiền Tết.

Ông cảnh sát khu vực - người thảo đơn cho trưởng công an phường ký - thì bị điều chuyển công tác; 3 phó trưởng công an phường này bị kiểm điểm, phê bình và cắt toàn bộ thi đua.

 

Đơn có đoạn viết “để động viên cán bộ, chiến sĩ trực làm việc trong dịp Tết, đề nghị lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ kinh phí cho công an phường số tiền...” (phần này để trống, hàm ý “tùy lòng hảo tâm” - NV). Thiên hạ một phen ngỡ ngàng trước kiểu xin tiền lạ đời này. Một số doanh nghiệp vì quá bực nên đã lên tiếng tố cáo khiến vụ việc vỡ lở...

 

Trường hợp bôi bác ấy tưởng như sẽ thành bài học răn đe những người có ý định trục lợi. Vậy mà vài ngày trước, một cảnh sát khu vực ở quận Bình Thạnh, TP HCM vừa về nắm địa bàn đã lộ liễu “xin” tiền các hộ kinh doanh. Người dân chịu không nổi, làm đơn trình báo; chính quyền quận Bình Thạnh vừa chỉ đạo cấp dưới xác minh, nếu đúng như tố cáo thì sẽ xử lý nghiêm.

 

 

Cận Tết là khoảng thời gian các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp có thu phải căng sức gồng gánh biết bao khoản chi; nhất là vào những năm kinh tế còn khó khăn như giai đoạn này, gánh nặng ấy tăng gấp bội. Vậy mà họ vẫn không thoát được nạn “bị xin tiền”.

 

Xin tiền cũng nhiều kiểu, nhiều chiêu. Người thân của tác giả bài này có tiệm cơ khí ở quận Tân Phú, TP HCM; cuối năm lòng dạ rối bời lo đơn hàng, lương - thưởng Tết cho anh em thợ, vậy mà hôm nay phòng cháy chữa cháy, ngày mai cảnh sát môi trường, ngày mốt cán bộ thuế, ngày kia thanh tra lao động cứ đòi gặp để “kiểm tra dịp Tết”. Chủ tiệm chỉ cần “biết ý” cán bộ một chút thì “để sau Tết kiểm tra cũng được” (!). Thực tế, chuyện như vậy chẳng phải cá biệt.

 

Khó xử nhất đối với các doanh nghiệp là những khoản xin khá lớn để “hỗ trợ tổng kết ngành”. Cấp trên đề nghị, làm sao dám không chi! Phổ biến hơn cả là lấy lý do giúp người nghèo ăn Tết để xin “hỗ trợ các hoạt động chăm lo của địa phương”. Dùng cớ nhân đạo để xin tiền thì chính đáng quá rồi, doanh nghiệp cũng khó mà từ chối nhưng có ở trong cuộc mới thấm nghịch cảnh: Nhiều công ty dù rỗng túi mà vẫn phải cố đóng góp trong khi phần nhiều từ khoản tiền đó lại được chi cho... tổng kết, liên hoan. Doanh nghiệp làm ăn giữa thời khó đã chật vật lắm rồi, đừng moi tiền của họ nữa!

 

Hầu hết những người đi xin chẳng thuộc diện nghèo; ngược lại, thường khấm khá và có vai vế trong xã hội. Thế nên, nói xin nhưng thật ra là... ép. Năm này xin được, năm sau xin được và năm tới nữa sẽ tiếp tục xin. “Ăn quen, nhịn không quen”, ông bà ta đã đúc kết như vậy. Do đó, cần phải có thiết chế pháp lý cụ thể để ngăn chặn và xử lý tệ trạng này, không thể kêu gọi chung chung mãi về lòng tự trọng trong khi nhiều người đã quen tay xin tiền nào biết tự trọng là gì đâu!

Theo Người LĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo