Xã hội

Tết Đoan ngọ có nguồn gốc, ý nghĩa từ đâu?

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã: Tết diệt sâu bọ gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: Tết diệt sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hoá phong phú. 

Tết Đoan ngọ gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết.

Không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hà Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Từ đó cho thấy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Trong ca dao Việt Nam cũng có câu:“Tháng tư đong đậu nấu chè, Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm” Tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.

Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương.

Tác giả luận giải: Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. 

May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 2004).

 

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ bởi theo quan niệm xưa, trong người, nhất là trong bộ phận tiêu hóa, thường có sâu bọ. Sâu bọ này nếu không bị trừ đi sẽ sinh sản ngày càng nhiều và gây hại cho con người.

Tuy nhiên trong năm, chúng ẩn sâu trong bụng, duy chỉ có ngày 5/5 là chúng ngoi lên. Vì thế, người dân thường chọn ngày Tết Đoan Ngọ để diệt trừ chúng bằng cách ăn các món ăn như cơm rượu nếp và các loại trái cây với nhiều vị khác nhau như mận, đào, xoài, vải...  

Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương như bánh ú tro, thịt vịt…

Một số truyền thuyết khác thì cho rằng, thời tiết vào dịp 5/5 thường rất nóng. Đây là thời điểm khí hậu nóng, côn trùng và sâu bọ sinh nở nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt.

Do vậy, người ta đã quyết định chọn ngày mùng 5/ 5, đúng thời điểm dương thịnh - để làm lễ diệt trừ các loài sâu bọ này và cầu mong cho con người được hạnh phúc, khỏe mạnh.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo