Tết Độc lập nhớ lời Bác dạy
Đặc biệt, không chỉ biểu dương thành tích, chiến công đã dành được, Bác quan tâm căn dặn việc giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, nhân cách cán bộ, đảng viên, chống những thói hư, tật xấu, chống quan liêu, cửa quyền. Trong đó, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, thói hư, tật xấu để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những phương cách góp phần bảo vệ và phát huy giá trị nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn gay go, ác liệt, tại chiến khu Việt Bắc, Bác đã viết bài “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu”, đăng trên Báo Sự thật ra ngày 2/9/1950. Mở đầu bài báo, Bác viết: “Nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Đã phụng sự nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì đó có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh”.
Bác Hồ chỉ rõ, muốn làm được như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gần gũi nhân dân, hiểu biết nhân dân, học hỏi nhân dân, lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những điều ấy phải đi song song với nhau. Không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Bác nhấn mạnh: “Có biết làm học trò dân mới làm được thầy học dân. Nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng”.
Trong bài báo, Bác Hồ vạch rõ nguyên nhân của bệnh quan liêu là xa dân, không hiểu biết ý kiến, nguyện vọng của dân, không học hỏi dân và sợ dân chúng phê bình. Bác viết: “Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không nói đến”.
Nhân dịp Quốc khánh năm 1951, Bác viết tiếp bài “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, bài đăng trên Báo Nhân Dân số 23 với bút danh CB. Bác viết: “Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng trong công tác thực tế, nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Bác chỉ rõ nguyên nhân của bệnh quan liêu là xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin nhân dân, không hiểu biết nhân dân… Trong đó, xa nhân dân nên không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân, còn sợ nhân dân thì khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
Hai năm liền trong Ngày Quốc khánh, Bác Hồ đều nhấn mạnh việc phòng, chống bệnh quan liêu. Điều đó cho thấy quan liêu là một thứ bệnh nguy hiểm, có hại lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Những bài báo này được Bác viết tại chiến khu Việt Bắc, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp còn gay go, cam khổ, nghĩa là thời điểm đó người cán bộ, đảng viên không có môi trường thuận lợi để bộc lộ các thói hư, tật xấu quan liêu, hách dịch, xa dân như trong điều kiện hòa bình.
Tuy nhiên, Bác đã nhìn nhận mầm mống nảy sinh trong tư duy, quan điểm của cán bộ, đảng viên để kịp thời huấn thị, chỉnh sửa, điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Bác, lo lắng, rèn giũa ý thức, đạo đức con người là cả quá trình bền bỉ, liên tục, không kể điều kiện chiến tranh hay hòa bình. Chỉ ba ngày sau Quốc khánh năm 1954, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân viên các cơ quan Trung ương, các đơn vị bộ đội, công an và thanh niên xung phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Sau khi giải đáp một số thắc mắc về lương bổng, công việc của người sắp vào thành phố, Bác đã nhắc nhở phải luôn luôn giữ gìn đạo đức và nhân cách: “Có thể nhiều người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng khi về đến thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường”, vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”.
Trong chiến tranh, bệnh quan liêu, các thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên đã “nảy mầm” thì ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, căn bệnh ấy càng có đất dung dưỡng, phát triển. Bởi vậy, trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng ta chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Từ đó, Đảng ta xác định rõ một trong các nhiệm vụ quan trọng là cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế…
Tết Độc lập, ngẫm lại những lời huấn thị của Bác năm xưa, chúng ta càng hiểu thêm những giá trị, tư tưởng của Người trong rèn giũa đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Làm theo lời Bác dạy, tự mỗi cán bộ, đảng viên chống bệnh quan liêu, hách dịch, bệnh xa dân, có nghĩa mỗi chúng ta đã góp phần mình vào việc bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc và phát huy giá trị, ý nghĩa cao cả của nền độc lập ấy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo