Thị trường

Tết ngàn tỷ của đại gia bậc nhất 2013

Khó khăn dường như không thể vùi dập được những tỷ phú hàng đầu Việt Nam khi tài sản của họ vẫn tăng lên nhanh chóng trong năm 2013. Nền tảng kinh doanh vững chắc, chiến lược đúng đắn và ứng phó linh hoạt đã giúp các tỷ phú kiến ngàn tỷ trong năm kinh tế rơi xuống đáy.

 Người cũ vững vàng

Chứng khoán ngày 17/12, TTCK, VN-Index vẫn nặng nề quanh ngưỡng 505 điểm báo hiệu kết thúc một năm ì ạch. Tuy nhiên, phiên giao dịch này lại chứng kiến sự tăng điểm mạnh mẽ của cổ phiếu VIC. Cổ phiếu của Vingroup tăng thêm 2.500 đồng lên 70.000 đồng giúp tỷ phú USD đầu tiên Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 710 tỷ đồng.
 
Tính chung từ đầu năm, tài sản của doanh nhân giàu nhất chứng khoán Việt Nam 3 năm qua tăng thêm hơn 2.700 tỷ. Ông Vượng chắc chắn giữ ngôi số 1 năm 2013 với số cổ phiếu quy ra tiền khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
 
Tỷ phú Việt, bên cạnh nhân tố cũ vững vàng đã có những người mới vượt trội.
 
Riêng số tiền vị tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam có thêm trong 2013 đã vượt tài sản của các tỷ phú đứng vị trí thứ 5 trở xuống trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Đó là chưa tính tài sản đứng tên của những người thân trong gia đình ông Vượng cũng tăng khoảng 21% trong năm.
 
Trong một năm khó khăn, lĩnh vực BĐS đang đóng băng ở đáy thì việc gia tăng tài sản của ông Vượng chủ yếu dựa vào cổ phiếu VIC tăng điểm. Mặc dù vậy, những điểm sáng của VIC đã phần nào lý giải cổ phiếu này duy trì được mức giá khoảng 70.000 đồng/cp trong suốt cả năm. Ngoài các dự án hoành tráng ở Hà Nội và các tỉnh đang hoàn thiện cho nguồn thu lớn thì con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2013 trên 6.000 tỷ dồng, tăng hơn 310% so với cùng kỳ cũng rất hấp dẫn nhà đầu tư.
 
Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long cũng có thời điểm kiếm hàng trăm tỷ đồng trong một vài phiên giao dịch. Tính từ đầu năm, đại gia này đã đút túi hơn 1.800 tỷ đồng nhờ cổ phiếu HPG đã tăng giá trên 90% so với cuối năm 2012.
 
Trong năm 2013, ông Trần Đình Long - người giàu thứ 3 trên TTCK còn thu về được 264 tỷ đồng trong vụ bầu Kiên giúp HPG vượt 27% kế hoạch lợi nhuận năm ngay trong 9 tháng đầu năm.
 
Không những thế, cổ phiếu HPG còn tăng giá nhờ kỳ vọng vào nguồn thu trong tương lai của dự án BĐS Mandarin Garden sẽ chủ yếu được ghi nhận vào năm 2014.
 
Không chỉ có thế, ông Long còn dìu vợ vào tốp 10 người giàu nhất Việt Nam. Cho dù đánh mất vị trí này vào trong tháng cuối cùng của năm nhưng nữ doanh nhân kín tiếng đã trở thành một cái tên đáng chú ý của giới siêu giàu Việt Nam.
 
Những nhân tố mới vượt lên
 
Một đại gia ngành thép đã vượt trội trong bối cảnh khó khăn của năm 2013 là ông chủ Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ. Đây là đại gia kiếm tiền số 1 trên TTCK và là duy nhất trong tốp 10 người giàu nhất có tài sản nhân đôi trong vòng một năm.
 
Trong năm 2013, doanh nhân phật tử Lê Phước Vũ đã “kiếm” thêm trên 1.000 tỷ đồng, nâng tổng túi tiền tính theo giá trị cổ phiếu đang nắm giữ lên gần 1.900 tỷ đồng, tương đương tăng hơn gấp đôi (từ 17.300 đồng/cp lên trên 43.000 đồng/cp). Một tốc tăng chóng mặt, vượt xa mức tăng khoảng 20% của 2 người giầu nhất (ông Vượng Vingroup và bầu Đức Hoàng Anh Gia Lai).
 
Trong tốp 10, các đại gia cũng kiếm được một lượng lớn tiền nhờ những thành tựu nổi bật gồm có: ông Đoàn Nguyên Đức - bầu Đức có tài sản tăng thêm 900 tỷ đồng nhờ triển vọng dự án cao su tại Lào, BĐS tại Myanmar…; bà Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng có thêm 470 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VIC; Phạm Thúy Hằng - em vợ ông Vượng thu vào 315 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VIC, ông Đặng Thành Tâm hồi phục 340 tỷ nhờ sự trở laic của cổ phiếu KBC, ông Hà Văn Thắ,m tăng 180 tỷ đồng nhờ sự mở rộng hoạt động của Tập đoàn Đại Dương.
 
Ngàn tỷ về túi, đón tết thăng hoa.
 
Khá nhiều doanh nhân khác cũng chứng kiến tài sản tăng thêm hàng trăm tỷ đồng trong năm 2013 như: bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Trần Đình Long tăng 550 tỷ đồng nhờ cổ phiếu HPG); ông Dương Ngọc Minh thêm 420 tỷ đồng nhờ vị trí ông “vua” trong ngành cá tra của Thủy sản Hùng Vương; ông Trần Kim Thành thu 210 tỷ nhờ vị trí thống trị của Bánh kẹo Kinh Đô KDC trên; ông Trương Gia Bình tăng 230 tỷ nhờ vị trí hàng đầu của FPT trong lĩnh vực công nghệ.
 
Tính theo tỷ lệ cấp độ nhân tài sản và trên diện rộng toàn TTCK, các đại gia ngự trị các DN lớn nói trên cũng chưa hẳn đã dẫn đầu. Nhiều cổ phiếu tăng dữ dội trong năm 2013 như:
 
SCL, API tăng gấp 4 lần; TCM tăng 3,6 lần; VNS tăng gần 3 lần, REE tăng 94%).
 
Một số cổ đông Nhà nước chi phối cũng kiếm bộn tiền bao gồm: Vinamilk tăng 62%, Nhiệt điện Phả Lại tăng 115%; Cao su Đà Nẵng tăng 96%…
 
2013 vẫn được coi là một năm rất khó khăn khi kinh tế vẫn còn ở đáy. Tuy nhiên, đây cũng là năm đánh dấu dòng tiền đổ vào TTCK, giúp nhiều đại gia nắm giữ cổ phiếu chứng kiến túi tiền tăng mạnh.
 
Trong hơn 730 DN niêm yết, năm 2013 có gần 500 mã tăng giá (với khoảng 60 mã tăng từ gấp đôi trở lên; hơn 200 mã tăng từ gấp rưỡi trở lên). Mặc dù số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo nhưng trên thực tế đa số mã cổ phiếu có giá ở mức rất thấp, dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp. Chỉ số VN-Index tăng khoảng 23% so với đầu năm nhưng vẫn đang được cho là ở vùng đáy nếu loại trừ yếu tố lạm phát.
 
Vì thế, nhiều NĐT cho rằng TTCK đã tăng trong năm 2013 chưa đúng kỳ vòng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại nhiều người lo ngại về tính hấp dẫn thực sự của đa số các cổ phiếu trên thị trường, nhất là trong bối cảnh gần như toàn bộ các kênh đầu tư khác đều đáng thất vọng.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo