Xã hội

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015: Nghỉ tết 9 ngày hợp lòng người lao động

Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó một phương án đề xuất nghỉ tết 7 ngày và một phương án nghỉ 9 ngày. Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 25.11, đa số các ý kiến từ đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, nhà xã hội học, đến lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), cán bộ công đoàn (CĐ) và CNLĐ đều đồng tình và cho rằng, một kỳ nghỉ 9 ngày để người lao động có thời gian chuẩn bị chu đáo

Công nhân khu công nghiệp ở Hà Nội chuẩn bị về quê đón tết 

Doanh nghiệp đã sắp xếp xong

Theo tờ trình của Bộ LĐTBXH, phương án 1, nghỉ 9 ngày sẽ bao gồm 4 ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014 và 5 ngày đầu năm Ất Mùi 2015. Trong khi đó, phương án nghỉ 7 ngày gồm 1 ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014 và 6 ngày đầu năm Ất Mùi 2015.

Ông Phan Công Minh - TGĐ Cty CP Việt Hưng (chuyên may quần áo xuất khẩu và sơmi nội địa, Q.12, TPHCM) - cho biết, do đặc thù ngành may mặc, rất nhiều DN yêu cầu CN tăng ca liên tục và đa phần CN là các lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Do đó, nhu cầu được sum họp với gia đình trong dịp tết với CNLĐ rất cao. Mặc dù Cty không phải tăng ca do có đơn hàng ổn định, nhưng mỗi dịp tết đến, Cty đều bố trí cho NLĐ nghỉ hơn chục ngày.

“Dịp Tết Ất Mùi này, Cty sẽ bố trí cho NLĐ nghỉ từ ngày 11 - 26.2.2015 (từ 23 tết đến mùng 8). Cty bố trí nghỉ sớm để NLĐ chủ động bố trí thời gian về quê cho đỡ trùng vào các ngày cao điểm. Chúng tôi ủng hộ phương án cho CNVCLĐ nghỉ 9 ngày” - ông Minh nói.

Đồng quan điểm, ông Mai Đức Thuận - Giám đốc Cty may thêu Thuận Phương (Q.6, TPHCM) - cho biết: “Chính sách nghỉ Tết Nguyên đán của Cty tôi là 14 ngày được thực hiện đã gần 10 năm nay, dù công việc có nhiều, bận rộn hay không, Cty đều cho CN nghỉ 2 tuần”.

Một gia đình người lao động du xuân. Ảnh: Hải nguyễn

Theo ông Thuận, thông thường qua tết, CN vẫn còn nấn ná ở quê thêm vài ngày nên lượng lao động không ổn định, kế hoạch sản xuất vì thế cũng không đạt được như mong muốn, nhưng nếu Cty có kế hoạch từ trước thì dù cho CN nghỉ dài ngày, Cty vẫn chủ động được kế hoạch sản xuất của mình, CN lại rất vui vẻ.

Tại Cty TNHH ắc quy GS Việt Nam (KCN VSIP Bình Dương), bà Huỳnh Nguyễn Kim Phượng - Tổng quản lý - cho hay, Cty đã có kế hoạch cho NLĐ nghỉ 11 ngày, như vậy, Cty cũng không gặp trở ngại gì đối với kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nên chắc chắn ủng hộ phương án cho CNVCLĐ nghỉ 9 ngày tết.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Tổ chức - Lao động, Cty điện lực Vĩnh Phúc - chia sẻ, trong dịp nghỉ tết, Cty phải bố trí 30% lực lượng LĐ ứng trực nên hoạt động SXKD vẫn diễn ra bình thường. Hiện tâm lý của NLĐ luôn muốn thời gian nghỉ tết được kéo dài lên 9 ngày. 

Công đoàn, người lao động phấn khởi

Ông Liêu Quang Vinh - Chủ tịch CĐCS Cty Freetrend (KCX Linh Trung I, TPHCM) - nói, ngay khi có thông tin có thể nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, CĐ và Ban giám đốc Cty đã họp và thống nhất lịch nghỉ Tết Nguyên đán của CN là 9 ngày và thông báo rộng rãi đến với toàn thể CN Cty, riêng những CN ở xa, Cty vẫn giữ nguyên ngày phép đi đường (CN ở xa được Cty cho nghỉ thêm 1-2 ngày). Cty đã điều chỉnh lại kế hoạch cho phù hợp, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của Cty. Tâm lý chung của NLĐ rất vui.

“CN làm việc ở Cty hầu hết đều ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc… đi-về đã hết 2 ngày. Nhiều CN cả năm trời, hoặc nhiều năm mới được về quê một lần, nếu thời gian nghỉ tết quá ngắn, CN cũng sẽ cố nghỉ thêm 1-2 ngày nữa. Nếu vậy, khi đi làm lại thì CN sẽ bị mất tiền chuyên cần của tháng 2, gây nên tâm lý không thoải mái cho CN nên cho CN nghỉ tết 9 ngày là hợp lý” - ông Vinh nhận xét.

Tương tự, Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, các KCN-KCX Hà Nội có gần 138.000 LĐ, trong đó 70 - 72% là LĐ ngoại tỉnh. Trong đợt nghỉ Tết Giáp Ngọ 2014, NLĐ được nghỉ 8 ngày, khi trở lại làm việc họ rất phấn khởi, vì sau một năm mưu sinh vất vả họ có điều kiện để tái tạo sức LĐ.

Còn đối với CNLĐ, thông tin được nghỉ tết 9 ngày thực sự là niềm vui với rất nhiều người. “Các ngày nghỉ, kỳ nghỉ rất quan trọng với đời sống của NLĐ. Khi biết Cty có kế hoạch nghỉ tết 9 ngày, tôi đã lên kế hoạch về quê. Quanh năm làm liên tục, tăng ca triền miên, chỉ mong cho đến những ngày nghỉ đó để được nghỉ ngơi, ở nhà cùng gia đình” - chị Lê Ngọc Hà - CN Cty Domex, Thủ Đức, TPHCM - nói.

Nghỉ 9 ngày có lợi với CNVCLĐ bởi họ có thời gian chuẩn bị chu đáo cho một cái tết vui tươi, đầm ấm.

Anh Đỗ Trường Giang (Cty TNHH giao nhận vận tải Jupiter Pacific - KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, nếu nghỉ tết 9 ngày, những NLĐ xa quê như anh sẽ có đủ thời gian thu xếp, thanh toán các khoản thuê trọ, thuận tiện trong việc mua vé tàu xe, tránh tình trạng o ép giá xe của các hãng vận tải như các năm trước. Đây là khoảng thời gian đủ để chúng tôi tái tạo lại sức lao động” - anh Giang vui mừng nói.

 

 Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - ông Đặng Ngọc Tùng:  Tổng LĐLĐVN luôn ủng hộ việc nghỉ lễ dài ngày

Chủ trương này được Tổng LĐLĐVN thực hiện bằng cách hoán đổi ngày nghỉ với ngày làm việc ở tuần trước hoặc tuần kế tiếp. Trong hai năm qua, Chính phủ đã thực hiện hoán đổi ngày nghỉ vào dịp tết âm lịch để được nghỉ liền ngày và được người dân rất ủng hộ. Việc nghỉ tết dài rất có ý nghĩa với người lao động, đặc biệt là các CNLĐ đi làm xa quê. Thời gian nghỉ tết ngắn khiến nhiều người bỏ lỡ dịp quây quần bên gia đình do điều kiện tàu xe khó khăn, công việc lại gấp gáp. Nếu nghỉ dài sẽ giúp NLĐ có thể lên kế hoạch sử dụng ngày nghỉ tết của mình, giữ được truyền thống đi thăm hỏi gia đình, bạn bè hoặc đi du lịch. 

TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học: Cho người lao động nghỉ tết 9 ngày được nhiều cái lợi

Nếu cho công chức, viên chức nghỉ tết 9 ngày, chúng ta sẽ được nhiều cái lợi. Thứ nhất, nếu chọn phương án nghỉ 7 ngày thì 2 ngày đi làm xen kẽ chắc chắn không hiệu quả, không chất lượng với tâm lý “nhấp nhổm” ngày tết. Thứ hai, khi được hưởng một kỳ nghỉ dài, người lao động sẽ lên kế hoạch cho những chuyến du lịch, dã ngoại,… điều này sẽ gia tăng sức tiêu dùng, góp phần kích cầu. Thứ ba, xét về văn hóa, xưa tết của ông cha ta luôn nhàn tản và kéo dài; nay kinh tế hội nhập, chúng ta có nhiều thay đổi nhưng ngày tết vẫn cần thời gian cho những giá trị truyền thống. Như vậy, đã hội đủ điều kiện cho kỳ nghỉ 9 ngày và điều này chắc chắn hợp lòng dân. Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng nghỉ dài ảnh hưởng đến sản xuất, vì khi người ta đến công sở mà không vì công việc thì còn tệ hại hơn.

Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Bùi Thị An: Không nên quy định cứng số ngày nghỉ tết

Tôi cho rằng, việc nghỉ Tết Nguyên đán có thể quy định “mềm”, không nên ấn định cụ thể bao nhiêu ngày, mà tùy thuộc vào từng điều kiện doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp họ cần sản xuất liên tục chẳng hạn, nếu để nghỉ thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp. Theo tôi, nên quy định được nghỉ tết từ 7 - 9 ngày, tùy từng cơ quan đơn vị áp dụng cho phù hợp. Ví dụ như cơ quan nhà nước được nghỉ 7 ngày, còn khối doanh nghiệp thì bố trí cho người lao động nghỉ 9 ngày.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo