Pháp luật

Tết vì con người hay con người vì Tết?

“Tết vì con người chứ không phải con người vì Tết” là bình luận của độc giả dưới một bài viết về Tết của một tờ báo. Bài viết kể chuyện “chạy sô” ăn Tết của một đại gia đình, kéo theo nhiều lo toan về tài chính, thời gian, công sức và đi lại.

Ở nhiều gia đình Việt Nam, đằng sau mâm cỗ ngày Tết thịnh soạn là công sức của những người phụ nữ. Ảnh: TL

 

Không cần nói cũng có thể tưởng tượng, người chuẩn bị và dọn dẹp những bữa ăn đó chủ yếu là phụ nữ. Nếu đàn ông còn thấy mệt mỏi vì những bữa ăn ê hề liên tiếp thì phụ nữ, người vào bếp nấu nướng và dọn rửa mâm cỗ, sẽ còn mệt mỏi đến đâu?

Dường như, lời bình luận đơn giản đó đã gói gọn tinh thần của Tết theo xu hướng hiện đại, hơn thế còn nhân văn. Nhiều người trẻ ở thành thị đã nghĩ về Tết với cảm giác “nghỉ xả hơi” hơn là lễ hội hay tiệc tùng.

Tết đơn giản chắc chắn sẽ là xu hướng

Khi một nhà báo viết trên facebook: “Đôi khi thấy người mình tự làm khổ nhau bằng cái Tết để gọi là giữ gìn truyền thống!”, nhiều người đã tỏ ý đồng tình. “Tết ở Việt Nam đang là thăm viếng, lễ lộc, nhậu nhẹt chứ không phải dịp nghỉ ngơi cho gia đình” – người viết giải thích thêm. Anh khẳng định đơn giản hóa Tết sẽ là xu hướng tất yếu. Đơn giản hóa vì gì, nếu không phải là “vì con người”?

Trước Tết, đoạn phim ngắn quảng cáo của một hãng nước ngọt gây sốt trên mạng khi đánh vào tâm lý Tết xa quê của nhiều người lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn. Đoạn phim cổ vũ cho “một cái Tết đơn giản hơn” – cũng giống với suy nghĩ của nhà báo nói trên, nhưng vì lý do kinh tế.

Nhưng “đơn giản hóa” còn một lý do khác, cả anh nhà báo lẫn đoạn phim ngắn đều chưa nhắc đến, đó là đằng sau một cái Tết thịnh soạn là công sức vun vén, lao động của chính con người, trong đó phần lớn là phụ nữ. Nếu những người phụ nữ trong gia đình không trực tiếp vào bếp mà thuê người giúp việc, thì đó vẫn là công sức của những người phụ nữ giúp việc. Và như vậy, vẫn có những người phải làm việc quần quật ngày Tết.

Có nên định nghĩa lại chữ “đảm đang”?


“Tôi thương mẹ chồng tôi” – chị Thu Hiền (Hà Nội) chia sẻ. Gia đình chồng chị có ngôi nhà ở quê, sau khi đón bố mẹ lên Hà Nội sống cùng vợ chồng thì quanh năm không có ai ở. Đến gần Tết mấy ngày, mẹ chồng lại về quê dọn dẹp toàn bộ. Căn nhà bỏ hoang bụi bặm, nhiều đồ đạc cũ mốc bà đều đem ra lau chùi, giặt giũ, phơi phóng.

“Mọi việc chuẩn bị Tết, mẹ quan niệm đều do mình và con dâu quán xuyến. Tôi thương mẹ, nhưng lại không đồng tình khi bao năm qua, bà làm hết mọi việc, để các con trai hình thành một nếp nghĩ trong gia đình: việc nấu nướng không phải của đàn ông” – chị Hiền nói.

Tự nhận là người “gia trưởng”, anh Nguyễn Xuân Thành (Nha Trang) chia sẻ: “Theo tôi, phụ nữ giỏi việc nhà hơn đàn ông, nên trọng trách phụ nữ trong ngày Tết lớn hơn, vai trò quan trọng hơn. Đàn ông nên chia sẻ với phụ nữ. Nhưng nếu như ông chồng không biết làm thì chịu thôi. Ngày xưa nhà tôi đến Tết mà mẹ bị ốm là buồn thiu, lo ngay ngáy. Mấy cha con vào bếp mà chả tươm tất gì cả. Luộm thuộm, thiếu thốn đủ đường”.

“Không phải tôi không muốn giúp vợ, mà khả năng đến đâu thì giúp đến đó. Có những người đàn ông rất đảm đang, nhưng cũng có những ông sinh ra con nhà công tử, cả đời ko làm việc nhà. Giờ có thương vợ cũng chỉ biết động viên chứ đâu làm được nhiều”.

Nhưng dường như, thực tế vốn phải chấp nhận đó đang chịu sự thách thức của thời đại. Những năm gần đây, cứ gần đến Tết, các báo lại có dịp viết về nỗi khổ của phụ nữ  ngày Tết. Trước Tết năm nay 2 tháng, nhà văn Trang Hạ gây tranh luận khi làm vlog với chủ đề “Ăn Tết hay ngủ Tết?”, kể về nỗi khổ của phụ nữ nội trợ trong dịp Tết. Thậm chí, có người không mong đi chơi Tết, chỉ mong một giấc ngủ thật sâu.

Trang Hạ nêu ra một quan điểm đầy định kiến: “Vào các nhà mở tủ lạnh ra xem chuẩn bị đồ ăn Tết thế nào, thì sẽ biết bà vợ ấy có đảm đang hay không”. “Đảm đang” có phải là cái cũi ngọt ngào?

Theo anh Thành, phụ nữ có thể sử dụng các dịch vụ đặt đồ ăn Tết và thuê người dọn nhà trước Tết, và đàn ông nên bớt ăn nhậu. Nhưng nếu bỏ tiền thuê, phụ nữ có bị mặc cảm “không đảm đang”? “Tôi không nghĩ vậy” – anh nói. “Đảm đang là quán xuyến được cả mọi việc, chứ không phải cái gì cũng tự tay phải làm. Giò chả đặt ở đâu, dưa món đặt ở đâu cho ngon chẳng hạn, chuẩn bị những món gì tiện lợi để khách đến có thể dọn nhanh. Nhà tôi đến gà cúng Tết cũng đặt. Phụ nữ nên đảm đang theo cách đó”.

Chia sẻ suy nghĩ này, Thị Thu Hiền cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, không chỉ đàn ông cần có ý thức san sẻ, mà thay đổi cũng nên đến từ chính người phụ nữ. Phụ nữ đừng nghĩ rằng bổn phận của mình là phải làm mọi việc ngày Tết”.

 

Thể thao Văn hóa
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo