Môi trường

Thái Lan cam kết ngăn chặn nạn buôn lậu ngà voi

Ngày 3/3, phát biểu trước Hội nghị các bên tham gia Công ước buôn bán động, thực vật hoang dã quốc tế (CITES) lần thứ 16, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã cam kết áp dụng mọi biện pháp để chặn đứng nạn buôn lậu ngà voi ở quốc gia này.

Bà Yingluck cho biết, Thái Lan không phải là thị trường tiêu thụ chính của ngà voi, nhưng việc buôn bán sản phẩm này trong nước Thái là hợp pháp, do đó thường bị bọn buôn lậu lợi dụng để trung chuyển sang nước thứ ba.

Hiện chính phủ nước này đã tăng cường công tác tình báo, hải quan và hợp tác với các tổ chức quốc tế để kiểm soát và hạn chế nạn buôn lậu ngà voi, nhất là từ các nước châu Phi.

Bước tiếp theo, Thái Lan sẽ sửa đổi luật và tiến hành đăng ký toàn bộ số voi cũng như các sản phẩm làm từ ngà trên toàn quốc để quản lý. Bà cũng khẳng định, Thái Lan sẽ là một đồng minh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại tệ nạn này.

Hội nghị CITES lần thứ 16 diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan từ ngày 3-14/3 với sự tham gia của khoảng hơn 2 nghìn đại biểu đến từ 15 quốc gia, bao gồm quan chức chính phủ, giới khoa học và các nhà hoạt động xã hội.

Hội nghị này nhằm thảo luận biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý vấn đề buôn bán động thực vật hoang dã, sau 40 năm Công ước được ban hành.

Theo Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) Achim Steiner, tài liệu công bố gần đây của tổ chức này cho thấy số lượng voi trên toàn thế giới đã giảm hơn 6% và đang ở mức nguy hiểm.

Nhiều nơi ở châu Phi, lượng voi bị giết để lấy ngà chiếm khoảng 11-12% số cá thể trong đàn. Nạn giết voi bất hợp pháp số lượng lớn ngày càng liên quan đến tội phạm có tổ chức và đôi lúc cả lực lượng dân quân được vũ trang đầy đủ.

Đầu năm 2012, UNEP đã phát hiện hơn 450 con voi đã bị giết hại ở Cameroon. Số ngà bị giết trộm được cho là để trao đổi tiền bạc và vũ khí đạn dược hỗ trợ cho cuộc xung đột trong khu vực.

Thái Lan nằm trong số quốc gia bị chỉ trích nặng nề do chưa lấp các lỗ hổng luật pháp và quản lý buôn bán ngà voi, góp phần dẫn đến tình trạng thảm sát voi ở châu Phi và nhiều nơi trên thế giới./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Vietnam+)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo