Thái Lan: Hiến pháp mới củng cố vai trò của quân đội
Cử tri Thái Lan đã thông qua bản dự thảo hiến pháp mới do chính quyền quân sự đề xuất trong cuộc trưng cầu ngày 7/8. Với 94% số phiếu được kiểm, kết quả ban đầu của Ủy ban bầu cử ngày 7/8 cho thấy 61,4 % người Thái đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp, còn 37,9% bác bỏ văn kiện này.
Như vậy, sau hai năm dưới sự lãnh đạo của quân đội, các cử tri Thái Lan đã ủng hộ một hiến pháp mới đối với một chính phủ dân sự, điều này không có nghĩa rằng quân đội sẽ không có vai trò trong hệ thống chính trị.
Hiến pháp mới mở rộng quyền kiểm soát của quân đội đối với Quốc hội - cơ quan lập pháp của quốc gia. Hiến pháp mới cho phép các quan chức quân sự bỏ nhiệm mọi thành viên của Thượng viện Quốc hội. Cụ thể, hiến pháp mới cho phép 250 ghế ở Thượng viện hoàn toàn do chính quyền quân đội bổ nhiệm. Điều này đồng nghĩa rằng, các nhà làm luật do quân đội bổ nhiệm luôn chiếm số đông hơn các lãnh đạo được bầu trong Quốc hội Thái Lan, và sẽ gây khó khăn hơn cho bất kỳ một đảng nào trong việc giành chiến thế đa số ở Hạ viện.
Những người ủng hộ hiến pháp mới cho rằng, hiến pháp mới sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tham nhũng tại quốc gia này. Cả hai vị thủ tướng trước đây của Thái Lan đều bị hạ bệ sau khi đối mặt với cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm qua mở đường cho một cuộc bầu cử vào năm tới nhưng cũng đặt ra thách thức cho chính phủ được chọn tương lai để “chế ngự” sự ảnh hưởng của quân đội.
Trước đó, các đảng phái chính trị lớn nhất ở Thái Lan, trong đó có cả một đảng trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin, đã tẩy chay Hiến pháp này. Tuy nhiên, chính quyền của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha Prayuth lại cấm tất cả các bên được tổ chức chiến dịch vận động. Đã có hai sinh viên tại tỉnh miền Bắc Chaiyanphum bị bắt giữ hôm 06/8 và buộc tội rải truyền đơn thúc giục người đân bỏ phiếu chống lại Hiến pháp mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo