Thị trường

Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10,5%

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, năm 2018, Thái Nguyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,5%.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, năm 2018, Thái Nguyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,5%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 74 triệu đồng/người, đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 645.000 tỷ đồng, thu ngân sách tăng 16% so với năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD...

Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2017, 6 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế của tỉnh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch ở mức cao như: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 12,6% so với năm 2016; tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người, tăng hơn năm trước 7 triệu đồng/người; giá trị xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra gần 10%; thu ngân sách ước đạt 12.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 33%...

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế ở Thái Nguyên đó là cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rất nhanh do giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong 4 năm trở lại đây. Ước tính năm 2017 giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 55,4% tổng giá trị kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm 32% và nông - lâm nghiệp - thủy sản chỉ còn chiếm tỷ trọng 12,6%.

Trong sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn duy trì mức tăng trưởng cao với tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 ước đạt hơn 570.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Các sản phẩm điện tử - viễn thông xuất xứ từ Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên) và các doanh nghiệp FDI tại các khu, cụm công nghiệp lân cận trên địa bàn giữ vững mức tăng trưởng cao, nhất là giá trị của sản phẩm điện thoại thông minh tăng 18,4%, máy tính bảng tăng 20,4%, sản phẩm quang học tăng gần 20% so với năm 2016.

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh cũng có mức tăng trưởng khá. Điển hình là sản phẩm sắt, thép đạt giá trị 1,3 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ; sản phẩm may mặc đạt gần 60 triệu sản phẩm, tăng 16% so với năm 2016; Vonfram và các sản phẩm của vonfram đạt 18,3 nghìn tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ... Chỉ tính riêng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm tới 92% giá trị công nghiệp của toàn tỉnh.

Trong thương mại - dịch vụ, ngoài nhóm hàng điện thoại thông minh và máy tính bảng đem lại giá trị xuất khẩu cao (19,3 tỷ USD), một số nhóm hàng thế mạnh khác của tỉnh cũng đem lại giá trị xuất khẩu cao như: nhóm sản phẩm kim loại màu và quặng kim loại màu ước đạt hơn 230 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ; sản phẩm may mặc xuất khẩu đạt 265 triệu USD tăng gần 30% so với năm 2016; sản phẩm từ sắt thép ước đạt gần 51 triệu USD, tăng 5,4%... Về thu hút đầu tư nước ngoài, sau nhiều năm thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn, năm 2017, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thu hút được 13 dự án FDI với tổng mức đăng ký đầu tư 120 triệu USD.

Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm, tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Nhờ vậy, các dự án lớn đang triển khai tại Thái Nguyên như Tổ hợp công nghệ cao Samsung, Nhiệt điện An Khánh, Mỏ đa kim Núi Pháo... đã tăng trưởng sản xuất, tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, đặc biệt là tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa...

Nên đọc
Theo VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo