Thị trường

Thái, Nhật dồn dập “đổ bộ” thị trường bán lẻ Việt

Sự tấn công dồn dập của các nhà bán lẻ Thái Lan và Nhật Bản khiến các doanh nghiệp Việt có lý do để lo lắng, thậm chí có thể bị thâu tóm

Hí hửng khoe mớ chiến lợi phẩm vừa mua được ở cửa hàng Hachi – Hachi gần cơ quan, chị Đỗ Thanh Tuyền, nhà ở quận 6, TP HCM, cho biết hầu hết các vật dụng trong nhà bếp của chị đều là hàng Nhật. “Từ hủ lớn hủ nhỏ đựng gia vị, hộp đựng thức ăn, thau rổ, muỗng đũa, nồi chảo, vỉ nướng đến những thứ linh tinh như giấy thấm dầu, khăn lau bếp, nước tẩy rửa bếp… tôi đều mua ở cửa hàng Nhật. Hàng của họ tốt, giá cũng tương đối, xài rất sướng.” – chị Tuyền khoe.

Chị Tuyền không phải là người duy nhất trong nhóm bạn của tôi thích dùng hàng Nhật. Trong nhóm bạn còn vài chị cũng mê mẩn hàng Nhật và đã trở thành khách ruột của các cửa hàng, siêu thị Nhật. Nhất là từ khi trung tâm thương mại Aeon Mall ra đời, tín đồ hàng Nhật càng có dịp xài tiền.

 

Lượng khách khổng lồ trong ngày khai trương Aeon Mall Bình Dương.

 

Lấn sân từ chợ đến đại siêu thị

Hàng Nhật vốn được người tiêu dùng Việt ưa chuộng từ nhiều năm nay, thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng Hachi – Hachi, cửa hàng đồng giá Diaso và các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Nhật như Tokyo Mart, Tokyo Shop… Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng hàng Nhật (mặc dù đa số trong đó là hàng Nhật “made in China”) thật sự bùng phát từ đầu năm 2014 đến nay, khi Aeon chính thức đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Aeon Mall đầu tiên tại quận Tân Phú, TP HCM.

Với khoảng 30% hàng hóa được bán tại nơi này là hàng Nhật và cung cách phục vụ, dịch vụ “kiểu Nhật”, Aeon Mall đã thu hút lượng lớn người dân TP HCM và các tỉnh lân cận. Đầu tháng 11, Aeon đưa thêm một trung tâm thương mại ở Bình Dương đi vào hoạt động và sắp tới sẽ có thêm Aeon Mall tại Hà Nội.

Gần đây nhất, tập đoàn này đã ký kết hợp tác với Citimart. Ngay sau khi công bố hợp tác với Aeon hồi trung tuần tháng 11, hệ thống siêu thị Citimart (thuộc công ty Đông Hưng) đã đổi tên thành Aeon Citimart và bắt đầu bày bán các loại thực phẩm và hàng tiêu dùng độc quyền thương hiệu Topvalu của Aeon.

Như vậy, ngoài 2 siêu thị Aeon Mall tại TP HCM và Bình Dương, hàng hóa Nhật theo chân Aeon đã có mặt tại gần 30 siêu thị tại 6 tỉnh – thành phố. Theo lộ trình, đến 2020, Aeon sẽ có 20 đại siêu thị hoạt động ở Việt Nam.

 

Nhà bán lẻ Nhật không chỉ được yêu thích bởi chất lượng hàng hóa mà còn ở dịch vụ khác biệt.

 

Trong khi đó, theo lộ trình bàn giao, đến hết quý II–2015, Metro Cash & Carry (Đức) sẽ bàn giao toàn bộ hệ thống siêu thị Metro tại Việt Nam và các bất động sản liên quan cho tập đoàn Berli Jucker (BJC) – Thái Lan. Khi đó, hàng hóa Thái sẽ theo chân nhà bán lẻ Thái vào Việt Nam, phủ khắp các trung tâm Metro và từ đó tỏa ra khắp các cửa hàng, đại lý, công ty…

Tuy nhiên, không phải đợi đến khi BJC chính thức sở hữu Metro thì hàng Thái Lan mới vào thị trường mà từ nhiều năm nay, hàng hóa của nước này đã bám rễ rất chắc tại Việt Nam và được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, với khẩu hiệu: hàng Thái chất lượng tốt, giá “mềm”.

Trung bình, mỗi năm có gần 10 hội chợ hàng Thái Lan được tổ chức tại 2 thành phố lớn  Hà Nội và TP HCM. Tại TP HCM, mặc dù hội chợ chỉ mở cửa trong giờ hành chính (tại Trung tâm hội chợ triển lãm Tân Bình) nhưng luôn thu hút lượng lớn khách tham quan. Quần áo, giày dép, bánh kẹo, đồ gia dụng… dán nhãn Thái bán tại các hội chợ đều được vét sạch.

Không chỉ có mặt tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng của các thương hiệu bán lẻ tên tuổi, hàng Thái, Nhật còn tấn công vào chợ truyền thống, một số sản phẩm được quảng cáo là hàng Thái, Nhật cũng… xuống đường.

Đại gia Việt vẫn bình tĩnh

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, cho biết từ năm 2010, thương mại hàng hóa Asean + 6 đã loại bỏ 99,4% số dòng thuế. Đến năm 2014, Việt Nam có tất cả 72% dòng thuế còn 0%, từ 1-1-2015 xấp xỉ 90% số dòng thuế còn 0% và đến năm 2018, Asean sẽ dỡ bỏ hoàn toàn rào cản về thuế.

Theo ông Nguyễn Sơn, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoàn toàn, hàng chở từ Thái Lan về Hà Nội hoàn toàn giống hàng chở từ Hải Phòng về Hà Nội và luân chuyển hàng hóa từ Thái Lan vào các siêu thị Metro như luân chuyển trong hệ thống. Hiện hàng nông sản, công nghiệp nhẹ Thái đang ồ ạt vào Việt Nam.

Sự xuất hiện ồ ạt của hàng Thái, Nhật trên thị trường cộng với lộ trình mở cửa dần thị trường theo các cam kết thương mại khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lo lắng. Mặc dù vậy, ở góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op, cho biết việc hàng Thái, hàng Nhật vào Việt Nam thời gian qua và trong tương lai sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và là áp lực để doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và gia tăng sức cạnh tranh.

“Cần lưu ý là hàng Thái đã có mặt tại Việt Nam gần chục năm nay theo đường tiểu ngạch, nhập lậu. Việc đường đường chính chính vào thị trường thông qua hệ thống phân phối lớn sẽ là 1 bảo chứng về chất lượng cho hàng Thái. Với hàng Nhật cũng vậy, ngoài ra hàng Nhật chất lượng thường có giá cao hơn hàng Việt. Nói chung, người tiêu dùng sẽ được lợi và thêm nhiều lựa chọn “- ông Nguyễn Thành Nhân cho biết.

 Ẩm thực Thái, Nhật sôi động

Không chỉ hàng hóa dịch vụ, ẩm thực Nhật, Thái cũng đang từng bước chinh phục người dân Sài Gòn.

Có thể kể đến chuỗi cửa hàng Kobe, Tokyo Deli, cửa hàng Marukame và các cửa hàng sushi Nhật hiện diện khắp nơi tại TP HCM.

Ẩm thực Thái với món ăn theo khẩu vị 4 miền Nam, Bắc, Đông, Tây cũng có mặt đầy đủ tại TP HCM.

Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo