Thảm án 4 người chết ở Hà Giang: Nghi phạm cần giám định tâm thần?
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, rạng sáng nay 1/12, một vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) khiến 5 người thương vong. Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 4h30 sáng 1/12 ở thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình.
Vào thời điểm trên, đối tượng Phù Minh Tuấn (32 tuổi) đã cầm dao sang nhà bố đẻ của mình là ông Phù Láo Tả (59 tuổi) rồi chém gục bố mình và cháu Phù Thị Tuyết (SN 2014, con của em trai ruột Tuấn). Sau đó, đối tượng này tiếp tục xuống nhà chém bà Tải Lở Mở (51 tuổi, thím của Tuấn) và anh Phù Láo Sán (26 tuổi).
Được người dân thông báo vụ việc, anh Phù Văn Thịnh (23 tuổi, dân quân tự vệ thôn) đã đến hiện trường để ngăn cản Tuấn nhưng bị hắn đuổi chém làm thiệt mạng. Tại hiện trường vụ việc, 4 người đã tử vong tại chỗ.
Riêng anh Phù Láo Sán được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Bắc Quang. Nghi can Phù Minh Tuấn bị bắt giữ ngay sau đó. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trên thực tế, việc người có dấu hiệu tâm thần ra tay giết người đã không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, đứng trước pháp luật, những đối tượng này phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với hành vi của mình còn là điều không phải ai cũng biết. Để làm rõ điều này, PV báo Người đưa tin đã trao đổi với luât sư Nguyễn Đức Trang, văn phòng luật Hồng Việt - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Trang cho biết: “Bệnh nhân tâm thần có nhiều dạng khác nhau, theo quy định tại điều 13 Bộ luật Hình sự, người bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì không phải là tội phạm.
Bởi theo quy định thì người đó đang trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với những người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Mặc dù hiện tại pháp luật không có quy định phải tách người bị bệnh tâm thần cách ly khỏi cộng đồng nhưng nếu bệnh tình quá nặng, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của những người thân trong gia đình thì nên cần được chữa trị để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”.
Luật sư Trang còn phân tích: “Nếu bệnh nhân bị bệnh tâm thần đã được chữa trị thành công, sức khỏe tâm sinh lý đã ổn định và điều khiển được hành vi của mình thì bắt buộc phải chịu trách nhiệm hình sự như người bình thường”.
Như vậy, đối với đối tượng có dấu hiệu tâm thần hoặc đã từng điều trị tâm thần có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, bắt buộc phải đi giám định tâm thần để có cơ sở nhằm phục vụ công tác điều tra vụ việc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo