Pháp luật

Thảm án ở Hà Giang: Giám đốc BV Tâm thần T.Ư nói gì về nghi phạm?

Nói về nghi phạm gây thảm án giết 4 người ở Hà Giang, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư cho biết nghi phạm từng được chữa bệnh và có thuyên giảm.

Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, khoảng 4h30 sáng ngày 1/12 tại thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, Quang Bình, Hà Giang, Phù Minh Tuấn đã vung dao đoạt mạng bố đẻ và 3 người khác

Hiện trường xảy ra vụ thảm án. Ảnh báo Nhân Dân.

4 người tử vong đều là người thân của nghi can Tuấn. Cụ thể, ông Phù Láo Tả (59 tuổi)- bố đẻ của Tuấn, Tải Lở Mở (51 tuổi) – thím Tuấn, cháu Phù Ánh Tuyết (1 tuổi)- là con ruột của em trai nghi can và  Phù Văn Thịnh (23 tuổi)- dân quân thôn.  Riêng Phù Láo Sán (26 tuổi), em họ Tuấn bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện huyện Quang Bình. 

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với Công an huyện Quang Bình, Công an xã Tả Ngảo đến hiện trường, tổ chức bắt giữ Phù Minh Tuấn khi y đang ở trong nhà của mình

Đại tá Lê Văn Canh -Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Hà Giang cho biết: “Theo thông tin sơ bộ ban đầu, nghi can sát hại 4 người thân trong gia đình có dấu hiệu tâm thần. Hiện đối tượng đã bị cơ quan công an bắt giữ và tiến hành các thủ tục, điều tra cần thiết”.

Trao đổi với Dân Việt sáng nay (1/12), trả lời câu hỏi vì sao một người tâm thần từng giết chết con đẻ, được đưa điều trị tâm thần, sau đó vẫn cho về để rồi lại gây ra thảm án, bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, Trưởng ban Dự án Bảo vệ Sức khoẻ tâm thần cộng đồng - cho biết: “Bệnh viện tâm thần chỉ có trách nhiệm điều trị chứ không phải là nơi “giam giữ dài ngày”. Bệnh nhân khỏi thì phải đưa về cộng đồng. Khi đó, gia đình và cộng đồng cùng có trách nhiệm quản lý”.

Theo bác sĩ Cương, việc quản lý người tâm thần ở địa phương hầu như chỉ trông chờ vào ý thức của người trong gia đình. Hiện gần 90% xã phường trên cả nước đang thực hiện Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng với 2 nhóm người tâm thần được quản lý là người bị tâm thần phân liệt và động kinh. Cụ thể có 89% số người tâm thần phân liệt được quản lý tại xã, phường (hơn 200.000 người).

 

Tuy nhiên, cán bộ y tế chỉ có trách nhiệm tư vấn chăm sóc người tâm thần, cấp thuốc. Khi thấy các đối tượng có dấu hiệu tái phát tâm thần, đe dọa đến tính mạng của chính bệnh nhân và mọi người xung quanh thì cán bộ y tế sẽ báo lên huyện rồi lên tỉnh để cán bộ y tế có chuyên môn tâm thần về kiểm tra, tư vấn cho người nhà có nên đưa họ đi chữa trị tập trung tại các cơ sở y tế hay không.

“Tuy nhiên, người quyết định cuối cùng xem có đưa bệnh nhân đi điều trị hay không vẫn là gia đình. Chưa có quy định nào về trách nhiệm của địa phương trong việc cưỡng ép bệnh nhân tâm thần đi điều trị. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến người tâm thần bị phát bệnh mà không được điều trị, gây nguy hiểm cho cộng đồng” - bác sĩ Cương cho biết.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo