Thảm cảnh gấu nuôi thời mất giá
Kiếm ra tiền cho chủ thì ắt nhiên gấu cũng được chăm sóc chu đáo. Nhưng nay, khi phong trào "mật gấu tươi" đã qua đi những "mỏ vàng" một thời bị đối xử một cách thậm tệ.
Mật gấu rẻ như... rau
Để tiếp cận được với điểm nóng nuôi nhốt gấu tại xã Phụng Thượng - Phúc Thọ - Hà Nội, chúng tôi được ông V, một người dân địa phương và có mối quan hệ thân thiết với một số đầu nậu buôn gấu ở Phụng Thượng đích thân dẫn đi mua hàng.
Trong vai một người cần mua mật gấu tươi về ngâm rượu, tôi cùng với ông V tìm đến nhà ông S, người từng là chủ một trang trại gấu ở thôn Đông Phụng Thượng, nay đã gác kiếm chuyển qua nuôi bò sữa, nhưng vẫn là đầu mối quan trọng để tiếp cận thế giới buôn bán gấu nơi đây.
Một khu nuôi gấu. |
Vừa gặp chúng tôi, ông S đã đon đả mời chào "tưởng chú muốn mua cả con, chứ mua mật thì lúc nào cũng sẵn. Dù nghỉ nuôi gấu mấy năm nay nhưng nhà tôi vẫn còn rất nhiều, mà nếu thiếu thì chỉ cần gọi điện người ta sẽ mang đến ngay, chú cần bao nhiêu cũng có”.
Theo ông S thì giá mật gấu mấy năm nay giảm nghiêm trọng, từ 250 nghìn 1cc, sau đó tụt xuống 150 nghìn và hiện giờ chỉ có 20 nghìn 1cc. Nhưng với khách quen như chúng tôi thì chỉ lấy giá gốc là 12 nghìn 1 cc, nếu lấy số lượng lớn thì có thể bớt thêm chút ít. Lấy cớ là không được tận mắt chứng kiến hút mật, sợ mật bị pha nên chúng tôi hẹn ông S hôm nào có nhà hút mật thì gọi chúng tôi lên.
Quá trưa, chúng tôi rời nhà ông S và để đi sang xóm Mỏ Gang, nơi được coi là trung tâm nuôi gấu của Phúc Thọ. Theo quan sát của chúng tôi tại xóm Mỏ Gang có khoảng trên dưới chục nhà nuôi gấu, điển hình như nhà ông Q.T, L.H...
Tuy bây giờ không phải là thời kỳ hoàng kim của mật gấu, nhưng khách đến tìm hiểu và mua mật ở đây không ít, và giá rẻ không ngờ, giao động từ 15 đến 20 nghìn/1 cc mật gấu tươi. Theo lời chị H, chủ trang trại L.H thì gấu nhà chị nuôi khoảng 2 tháng hút mật một lần, mỗi lần khoảng 30 đến 50 cc.
Theo quy luật sinh trưởng của gấu thì thời gian hút cách nhau tối thiểu 6 tháng. Việc hút mật với mật độ dày đặc như vậy nên số lượng, chất lượng mật đều giảm rất nhiều, và nguy hại hơn cả là rất dễ gây viêm nhiễm túi mật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tuổi thọ của gấu.
Phận... gấu thời mất giá
Đúng hẹn, chiều chúng tôi quay lại nhà ông S, do không tìm được nhà hút mật vào buổi chiều nên ông S xin lỗi và hẹn chắc chắn gọi chúng tôi vào ngày khác để xem hút mật. Tôi quay sang hỏi ông S: "Thế bác có kiếm được cho em một vài bộ chân tay gấu không?".
Ông S tỏ ý hơi trách: "Chú không nói trước, biết mua cả chân tay thì tôi đã bảo thằng Q con nó để lại, sáng nay nó mới đưa mấy bộ lên Lạng Sơn bán sang Trung Quốc...". Vừa cằn nhằn, ông S vừa gọi điện cho cậu con rể bảo có khách muốn mua tay, chân gấu. Tắt máy, ông S bảo có hàng, khoảng 15 phút nữa con rể ông sẽ sang trao đổi trực tiếp.
Mật gấu bây giờ được cho vào những cái lọ bình thường chứ không bóng bẩy như trước kia. |
Sau vài câu thăm dò, T - con rể ông S liến thoắng: "Các anh nói hơi gấp, nhưng tôi lo được, giá hơi đắt đấy, bây giờ người ta bán theo cân, khoảng 3,5 triệu/1 cân vì thế tùy theo trọng lượng của từng tay gấu, nhưng nằm trong khoảng 12 đến 15 triệu một bộ (gồm 1 tay, 1 chân gấu - PV), nếu anh cần bây giờ thì tôi sẽ đi lấy luôn".
Thấy tôi tỏ vẻ nghi ngờ lấy đâu ra nhiều chân, tay gấu như vậy, T cho biết khẳng định hàng xịn đã thịt sẵn và bảo quản trong tủ đá. Nếu chúng tôi mua, T còn khuyến mại công làm và cho luôn vào bình rượu, khách chỉ cần ôm bình về. Sau khi thỏa thuận xong giá cả là 12 triệu/1 bộ, lấy cớ vì chuẩn bị chưa đủ tiền, tôi xin số điện thoại của T, không quên dúi vào tay anh tờ năm trăm nghìn tiền công đi lại và hẹn hai hôm sau quay lại.
Hai hôm sau, T chủ động gọi điện giục tôi lên lấy hàng, và không quên dặn tôi phải bí mật, nếu không công an túm cổ cả lũ. Địa điểm gặp là một quán cà phê ở ven thị trấn Gạch huyện Phúc Thọ. Đúng 3h chiều, T đến quán cà phê cùng với một người đàn ông nữa, trên tay bê một thùng xốp.
Người đàn ông đi cùng T mở thùng xốp cho tôi xem một bộ chân, tay gấu đã được cắt gọn gẽ, bọc trong túi nilon, chiều dài mỗi cái khoảng 17-18 cm, ước chừng mỗi chiếc nặng xấp xỉ hai kg. Cả hai cái vẫn còn tươi nguyên chắc vừa chặt ra khoảng một, hai ngày.
T vừa tiếp thị: "Cái này hàng còn tươi nguyên nhé, nếu mang sang Trung Quốc bán thì được giá lắm, ông anh là chỗ quen biết tôi mới lấy giá đấy". Tôi giả đò chê... hơi bé và bảo để gọi điện cho bố xin ý kiến.
Sau khi giả vờ gọi điện cho bố, tôi bảo với T là ông cụ không đồng ý, vẫn muốn tìm loại to hơn. Lúc này T mới giãy nảy lên bảo: "Ông anh ngâm chúng tôi thế này có chết không chứ, có mười mấy triệu mà tính kỹ thế, bây giờ hàng to không có, ông anh xem thế nào cho bọn tôi ít tiền... công chờ ông anh chứ". Để rút êm tôi đưa thêm cho T năm trăm nghìn và vội vàng xuôi quốc lộ 32 trở về Hà Nội. Hai người nọ cũng lên xe đi về phía Sơn Tây.
Sau lần gặp đấy, tôi quay lại tìm ông V để hỏi chuyện tại sao có lắm chân tay gấu như vậy. Ông V giải thích: Khi mật gấu đang ở đỉnh cao về giá, những chú gấu được nâng niu, chăm bẵm như ông hoàng. Thời hoàng kim qua đi, mật gấu rớt giá, cũng là lúc gấu bị đày đọa, xẻ thịt không thương tiếc.
Từ công cụ đẻ ra tiền, gấu bỗng dưng trở thành gánh nặng cho gia chủ. Theo chị H, chủ trang trại L.H thì để nuôi một con gấu không phải là dễ, gấu nuôi chỉ thích ăn... thịt nạc, hoặc ít ra cũng trứng vịt lộn trộn với mật ong.
Đã không đẻ ra tiền, mà chi phí để nuôi “bảo bối” ngày càng tăng vọt, các chủ trang trại tìm cách bán tháo, bán chạy gấu để trút đi gánh nặng. Tuy nhiên, khi đã không còn là thời thượng nữa thì muốn bán cũng không dễ.
Trước đây, gấu được chăm sóc chu đáo như ăn tươi, tắm rửa hàng ngày, vệ sinh chuồng trại nhưng khi mật rớt giá, gấu bị đày đoạ, tàn sát không thương tiếc. Phần lớn những con gấu bị nuôi nhốt trong lồng chật chội, ăn uống nghèo nàn, không được tiếp cận nguồn nước nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ; khớp, cơ bị teo; thị lực giảm; răng nanh bị bẻ gãy để không cắn phá.
Nhưng thảm nhất vẫn là những con gấu già không còn khả năng cho mật hay mật kém bị giết thịt. Nếu như trước đây thời gian hút mật cách nhau khoảng sáu tháng với số lượng nhất định thì nay các chủ gấu lấy vô tội vạ, có khi hai tháng hoặc hơn 1 tháng lại hút mật gấu một lần; thậm chí có chủ gấu còn bơm nước vào mật gấu rồi rút ra.
Khi hút họ dùng máy siêu âm dò tìm vị trí túi mật rồi mới chọc kim hút thì nay để giảm trừ chi phí, chủ gấu gây mê gấu rồi dùng kim dài khoảng 10cm không khử trùng chọc tứ phía để tìm mật. Khi không còn là mốt thời thượng thì số phận của những chú gấu bị nuôi nhốt cũng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Kinh hoàng gấu nuôi tự sát Trước khi thực hiện phóng sự này, chúng tôi đã từng nghe đến việc gấu tự sát vì bị giam cầm, hành hạ, hút mật. Ông S xác nhận, trước kia gia đình ông có trang trại nuôi gấu. Một buổi sáng, ông và bốn người thợ nữa đang thực hiện hút mật gấu tại chuồng số 1, thì bất ngờ một con gấu đực ở chuồng bên cạnh bỗng rống lên thảm thiết. Mọi người giật mình nhìn sang thì một cảnh tượng kinh hãi diễn ra tại chuồng số 2, một con gấu màu đen tự móc ruột nó ra. Tay cầm chùm ruột vướng theo bao tử lòng thòng trên tay đầy máu, nó dơ lên kêu rống như để phản đối cách đối xử tàn ác của con người. Có lẽ đó là hình ảnh mà mãi vẫn ám ảnh tôi, đó cũng là nguyên nhân khiến tôi từ bỏ nuôi gấu chuyển qua nuôi bò sữa, ông S chia sẻ thêm. Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, hiện cả nước có khoảng hơn 100 cá thể gấu sống trong tự nhiên và trên 3000 cá thể được nuôi nhốt trong các chuồng, trại. Số gấu nuôi nhốt trong chuồng trại hầu hết đều được gắn chip và theo dõi, tuy nhiên đó chỉ là hình thức. Thực tế, chủ gấu vẫn bằng nhiều cách khác nhau thực hiện việc lấy mật, thậm chí là xẻ thịt gấu để bán mà vẫn qua mặt được cơ quan chức năng. |
Theo Người đưa tin
End of content
Không có tin nào tiếp theo