Môi trường

Thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại kỷ lục

Ước tính cả thế giới đã thiệt hại khoảng 380 tỉ USD trong năm 2011, cao hơn gần 2/3 lần so với thiệt hại kỷ lục thảm hoạ thiên nhiên năm 2005 - Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho biết.

Những người nghèo nhất phải trả giá nhiều nhất bởi thiên tai, bao gồm các vấn đề như suy dinh dưỡng, mất nơi ở, và sinh kế bị phá huỷ” – bà Gwi-Yeop Son, Giám đốc Chương trình Doanh nghiệp của Văn phòng Liên Hợp quốc về Điều phối các Vấn đề Nhân đạo (OCHA) - một đơn vị đồng tổ chức khác của hội nghị, cho biết.

 

“Chúng ta cần phối hợp làm việc - trên cơ sở vận dụng những kinh nghiệm và hiểu biết của Nhật Bản - nhằm tăng cường các hệ thống điều phối nhân đạo, xây dựng một môi trường tạo điều kiện cho việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, và xây dựng khả năng chống chọi của cộng đồng để người dân có thể xử lý tốt hơn trước thiên tai." bà Gwi-Yeop Son phát biểu.

 

Trước con số thiệt hại kỷ lục năm 2011, đại biểu đại diện cho 63 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế công nhận rằng giảm thiểu nguy cơ thiên tai và phục hồi sau thiên tai là những vấn đề chung của tất cả mọi người, và rằng người dân, chính quyền và cộng đồng địa phương, khu vực kinh tế tư nhân và xã hội dân sự đều có vai trò quan trọng trong vấn đề này.

 

“Sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ, việc đặt trọng tâm vào tri thức, trong đó có hiểu biết về những nguy cơ gia tăng từ biến đổi khí hậu, và cam kết phối hợp của tất cả các bên liên quan, cả công và tư, là những nhân tố rất quan trọng cần có để xây dựng năng lực chống chọi với thiên tai và bảo vệ các thành quả phát triển” ông Jordan Ryan, Giám đốc Chương trình Ngăn chặn Khủng hoảng&Phục hồi sau Khủng hoảng thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nói.

 

Hội nghị này cùng tài liệu tóm tắt của hội nghị đã đóng góp các ý kiến thảo luận về việc tiếp tục thực hiện Khuôn khổ Hành động Hyogo - một hướng dẫn quan trọng về giảm thiểu thiên tai của quốc tế kể từ năm 2005. Tài liệu tóm tắt của hội nghị có trình bày yêu cầu lồng ghép các sáng kiến giảm thiểu thiên tai vào các chính sách công và các kế hoạch phát triển, đồng thời kêu gọi xây dựng những xã hội có khả năng chống chọi tốt, được chuẩn bị để có thể quản lý thiên tai.

 

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Thế giới về Giảm thiểu Thiên tai tại Nhật Bản, ông Kōichirō Gemba, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tái khẳng định cam kết của Nhật Bản đã được trình bày tại Hội nghị Rio+20 về việc dành trên 3 tỉ USD cho các sáng kiến giảm thiểu nguy cơ thiên tai quốc tế, cũng như việc hoàn toàn ủng hộ một Khuôn khổ Hành động hậu Hyogo dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2015.

 

Theo VFEJ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo