Thảm kịch từ chính sách một con ở Trung Quốc
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, thai phụ Phùng Kiến Mai, 27 tuổi, sống ở thôn Ngư Bình, thị trấn Tăng Gia, đã bị các quan chức địa phương bắt giữ và đưa vào bệnh viện buộc phá thai hôm 30/5. Cô đang mang thai đứa con thứ hai, nhưng lại không thể trả được khoản tiền phạt 40.000 NDT (6.320 USD).
Ngày 2/6, các quan chức địa phương đã nhẫn tâm ra lệnh cho tiêm thuốc giết chết cái sinh linh bé bỏng trong bụng mẹ.
Bức ảnh chụp cảnh người mẹ rũ rượi nằm bên cạnh thi thể đứa bé đã không được cất tiếng khóc chào đời hôm 4/6 được tung lên mạng Weibo một tuần sau đó. Nhiều người dân Trung Quốc đã tỏ rõ sự phẫn nộ của mình trước hành động vi phạm nhân quyền tàn nhẫn này.
Thời Báo Hoàn Cầu cho biết trước sức ép từ phía dư luận, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và dân số quốc gia Trung Quốc (NPFPC) đã tuyên bố mở cuộc điều tra “nghiêm chỉnh” đối với vụ việc này.
Hành vi tàn bạo
Cục Kế hoạch hóa gia đình thị trấn Tăng Gia khẳng định là họ làm đúng luật do vợ chồng này đã có một con gái 6 tuổi và thai phụ đồng ý phá thai. Tuy nhiên, người chồng thai phụ là Đặng Cát Nguyên lại tố cáo chính quyền địa phương đã đến nhà đòi họ phải nộp phạt “không được thiếu một xu” hoặc phải phá thai.
Do quá nghèo, gia đình thai phụ chẳng đào đâu ra tiền để nộp khoản tiền phạt này! Ngày 30/5, khoảng 20-30 quan chức địa phương đã ập đến nhà, bắt giam thai phụ suốt ba ngày, lại còn trói chân tay và bịt mắt. Sau đó, họ ép thai phụ phải ký vào giấy cam kết đồng ý phá thai, rồi tiêm thuốc giết chết đứa bé vô tội trong bụng mẹ.
NPFPC khẳng định nếu lời khai của anh Đặng là sự thật thì các quan chức Tăng Gia sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Bởi luật pháp Trung Quốc cấm phụ nữ mang thai trên sáu tháng phá thai.
Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời luật sư Trương Khải ở Bắc Kinh mô tả hành vi của chính quyền Tăng Gia là “vô nhân đạo” và “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”.
Theo chính sách một con của Trung Quốc, các gia đình sống ở thành phố chỉ được phép sinh một con. Gia đình ở nông thôn được phép sinh hai con nếu con đầu là nữ. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng. Mức phạt được chính quyền các địa phương tự định ra tính theo thu nhập của gia đình vi phạm và nhiều yếu tố khác.
Theo báo Telegraph, hồi tháng 1/2012 một cặp vợ chồng giàu có ở thành phố Thụy An (tỉnh Chiết Giang) đã phải nộp phạt tới 1,3 triệu NDT (hơn 200.000 USD) do sinh con thứ hai. Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia dân số Hà Á Phúc khẳng định “phí gánh nặng xã hội” này lại đã trở thành nguồn lợi nhuận khổng lồ của chính quyền các địa phương.
Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 5 tiết lộ mỗi năm các cơ quan kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc thu được 3,1 tỉ USD từ “phí gánh nặng xã hội” này, nhưng không ai biết số tiền khổng lồ này được chi tiêu ra sao.
Hậu quả nghiêm trọng
Nhà giàu đương nhiên là có tiền đóng phạt. Quan chức có thể cũng chẳng bị phạt. Trung Quốc Nhật Báo cho biết năm 2005, Ủy ban kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hồ Nam đã thừa nhận khoảng 2.000 quan chức tỉnh, trong đó có nhiều vị là đại biểu quốc hội, có từ 2-4 con, nhiều vị còn có đến bốn vợ. Chính quyền địa phương lại không dám phạt các quan chức này.
Ngược lại, dân thường và nhà nghèo thì phải cắn răng chịu. Các tổ chức xã hội ước tính mỗi năm hàng ngàn thai phụ bị ép phải phá thai, đặc biệt là các trường hợp phá thai trên sáu tháng.
Hồi năm 2005, luật sư khiếm thị Trần Quang Thành, người đã vào tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh xin cứu giúp và vừa sang Mỹ du học mới đây, từng gây chấn động dư luận khi tố cáo các quan chức tỉnh Sơn Đông đã phá thai hàng ngàn phụ nữ địa phương bằng cách cưỡng ép, khủng bố.
Trung Quốc đã thực hiện chính sách một con từ năm 1979 nhằm hạn chế tốc độ tăng dân số. Nhờ chính sách này, như Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã ngăn chặn được 400 triệu người ra đời kể từ đó đến nay, giúp Trung Quốc kiềm chế dân số ở mức 1,3 tỉ người.
Năm 2008, NPFPC khẳng định sẽ duy trì chính sách này thêm ít nhất 10 năm nữa. Năm 2010, giám đốc NPFPC cho biết sẽ không thay đổi chính sách này trước năm 2015.
Tuy nhiên, hậu quả xã hội của chính sách này là nghiêm trọng. Theo Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, thói trọng nam khinh nữ kết hợp với chính sách một con đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỉ lệ nam - nữ.
Ở thành phố, tỉ lệ này hiện là 120 nam - 100 nữ, còn ở nông thôn là 130 nam - 100 nữ. Do đó, trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ “thừa” 30-40 triệu nam giới, có nghĩa là cứ 5 trai thì có 1 sẽ không kiếm được vợ.
Ở Trung Quốc, nhiều chuyên gia xã hội đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hủy bỏ chính sách một con và kiềm chế tốc độ tăng dân số bằng các biện pháp giáo dục.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo