Thăm làng triệu phú ốc hương, doanh thu hơn 18 tỷ đồng/năm
Bế tắc, bà con bỏ mặc ao đầm nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ít lâu sau đó, người đàn ông nay là Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Lĩnh đưa con ốc hương về phát triển thì vùng đất Cồn Vạn hồi sinh thần kỳ.
13 năm nuôi tôm thất bại
Sáng tháng tư mặt trời chưa tỏ nhưng gần chục “công nhân” - vừa là ông bà chủ, vừa là người làm công đã hối hả kéo ra cánh đồng thôn 7, xã Cẩm Lĩnh thuê máy móc nạo vét kênh mương, chở cát đổ xuống ao đầm, chuẩn bị thả nuôi vụ ốc hương mới.
Thấy chúng tôi, ông Trần Mạnh Duyên (58 tuổi), Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản (NTTS) xã Cẩm Lĩnh đon đả cho biết, kể từ ngày ông lặn lội đưa ốc hương về phát triển trên địa bàn, người dân phấn khởi hẳn. Nhiều gia đình “cắt” được nợ, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Gia đình ông là một minh chứng.
Thuở nhỏ, Trần Mạnh Duyên theo cha mẹ bám đồng muối mưu sinh. Lớn lên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Năm 1981 xuất ngũ trở về quê hương, người lính cụ Hồ được "ông tơ bà nguyệt" se duyên với bà Trần Thị Thanh, người cùng xã. Có với nhau 4 mặt con, 2 trai, 2 gái, cuộc sống mưu sinh lại càng khó khăn. Ông không nối nghiệp diêm dân của cha mà chuyển sang nghề phụ hồ rồi làm thầu khoán. Bươn trải chừng dăm năm thấy nghề thầu khoán nay đây mai đó, lời lãi chẳng ăn thua nên năm 2002 ông quyết định thuê vùng đất Cồn Vạn đầu tư nuôi tôm.
Những ngày đầu chuyển hướng từ xây dựng sang làm nông nghiệp, tất cả với ông đều bỡ ngỡ. Chút vốn “lận lưng” ông có được là những kinh nghiệm chắp vá học từ sách báo và chuyến đi tham quan thực tế nghề nuôi tôm ở các tỉnh phía Nam. Thời cơ chín muồi, ông và 2 cậu con trai đầu tư hàng tỷ đồng thả nuôi 7 hồ/5ha tôm sú.
Năm đầu tiên hòa vốn, những năm sau đó, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên khiến tôm nuôi còi cọc, chết như ngả rạ. “13 năm bám con tôm thì gần chục năm hòa vốn hoặc thua lỗ, có những năm mất 600-700 triệu bạc. Chán nản tôi và các con bỏ trắng ao đầm, xách ba lô vào Nha Trang một tháng, vừa đi chơi cho khuây khỏa vừa học nghề nuôi ốc hương”, ông Duyên nói.
Đối tượng mới, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi mới, vốn đầu tư lớn, rủi ro cao... Tất cả đều phải bắt đầu lại nhưng ông vẫn quyết liều thêm lần nữa. Người đàn ông xấp xỉ cái tuổi lục tuần lại cắp sách mày mò, học hỏi.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, tháng 3/2016 ông cải tạo 7.000m2 ao đầm thả nuôi 2,4 triệu con giống. Sau 4-5 tháng thu hoạch đạt 16,5 tấn ốc thương phẩm; bán với giá 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi ròng hơn 600 triệu đồng.
“Khi ấy cầm trong tay mấy trăm triệu bạc vợ chồng tôi sung sướng lắm. Bởi, bao nhiêu năm nuôi tôm, tiền thu được cầm chưa nóng tay đã phải đi trả nợ”, ông Duyên nhớ lại.
Đến vụ nuôi năm 2017, do chưa có kinh nghiệm, một số ao đầm sắp đến kỳ thu hoạch bị chết rét nên lãi không ăn thua.
Theo ông Duyên: “Cái này là do chủ quan của chúng tôi, còn thực tế đến giờ chưa có đối tượng nuôi nào phù hợp với đất Cồn Vạn như con ốc hương”. Năm 2018, ông tiếp tục thả nuôi 4 triệu con giống, hiện ốc đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến khoảng tháng 8, tháng 9 tới sẽ cho thu hoạch.
Triệu phú đầu trần, chân đất
Từ thành công của bản thân, ông bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm với 12 hội viên khác trong HTX. Hiện tại, diện tích nuôi ốc hương trong vùng được mở rộng lên 12ha; hộ nhiều nhất nuôi 1ha, hộ nhỏ nhất 4.000m2.
“Triệu phú” Trần Quốc Vựng có 2 hồ NTTS ở Cồn Vạn. Trước nay vợ chồng ông bám biển mưu sinh. Những năm gần đây do ảnh hưởng sự cố môi trường biển, cộng với sức khỏe có phần giảm sút nên ông bỏ nghề lặn về học nghề nuôi ốc hương từ hàng xóm.
Sau khi gia nhập HTX Cẩm Lĩnh, đầu năm 2017 ông làm thủ tục thuê 1ha đất rồi đầu tư 200 triệu đồng ngược lên tận Cẩm Long (cách Cẩm Lĩnh 8km - PV) mua 400m3 cát về đổ xuống hồ; đầu tư 20 triệu đồng mua lưới; 550 triệu tiền giống (tương đương 4,2 triệu con) về thả nuôi.
Sau hơn 5 tháng chăm sóc, ông thu được tổng sản lượng gần 11 tấn, bán với giá bình quân 200.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 2,2 tỷ đồng. “Sau khi trừ các chi phí trên cộng với tiền thức ăn, tiền công, gia đình tôi còn lãi hơn 500 triệu đồng/vụ”, ông Vựng thật thà chia sẻ.
Khi được hỏi vì sao ông bạo gan đầu tư hàng tỷ đồng nuôi ốc hương, trong khi kinh nghiệm chưa có, người đàn ông có nước da bánh mật bảo: “Phải làm mới có kinh nghiệm. Kinh nghiệm chính là thứ mình học được trong quá trình sản xuất. Tất nhiên, trước khi đầu tư tôi cũng đã tìm hiểu, học hỏi những người thành công rồi, từ đó vận dụng vào thực tiễn mô hình của gia đình mình”.
Ông Vựng cho hay, nguồn nước ở Cồn Vạn mặn hơn so với các vùng khác cộng với thời tiết khắc nghiệt nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đó chính là lý do hơn chục năm qua, các doanh nghiệp cũng như nhiều hộ dân đầu tư nuôi tôm thất bại. Khi ông Duyên đưa ốc hương về nuôi thành công, người dân ven biển đặt niềm tin đây là đối tượng phù hợp với đất Cẩm Lĩnh và thực tế gần 3 năm trôi qua, nhiều hộ trong vùng nay đã trở thành triệu phú nhờ nuôi ốc.
“Ưu thế của việc nuôi ốc hương là dễ chăm sóc, ít dịch bệnh nên không phải dùng đến hóa chất, thuốc kháng sinh. Mỗi ngày cho ăn một lần trong khi nuôi tôm phải cho ăn đến 3-4 lần. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là chi phí đầu tư lớn, riêng tiền mua thức ăn (hàu, cua, cá) bình quân một ha đã hết 700-800 triệu đồng. Hơn nữa, ốc “ăn dơ” nhưng “ở sạch” nên mỗi năm phải hút đáy, thay cát sạch nhằm hạn chế dịch bệnh”, Chủ nhiệm HTX Trần Mạnh Duyên cho hay.
Còn ông Trần Quốc Vựng chia sẻ, phát huy sở trường ngụp lặn, trong thời gian ốc phát triển, mỗi ngày đều đặn sáng, trưa, chiều ông lặn xuống hồ vớt ốc lên để kiểm tra sự phát triển và tình hình dịch bệnh để kịp thời phòng ngừa.
“Khi ốc có biểu hiện bất thường tôi gọi ngay cho cán bộ kỹ thuật trong Nha Trang ra hỗ trợ. Khi cấp bách quá tôi học qua... điện thoại rồi tự mình thực hiện các giải pháp phòng trừ. Lâu dần tích lũy thành kinh nghiệm. Giờ nhìn ốc là tôi cơ bản bắt được bệnh, dự đoán được thời tiết”, ông Vựng tự tin.
Theo phản ánh của các hộ dân, hiện đầu ra của ốc hương đang rất rộng mở. Đến kỳ thu hoạch, thương lái từ Nha Trang đến tận hồ gom hàng xuất sang Trung Quốc. Cũng nhờ nghề nuôi ốc hương này, hàng trăm lao động thời vụ được tạo công ăn việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 200.000-400.000 đồng/ngày. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo