Thâm nhập đường dây làm bằng giả siêu rẻ: Bằng tiến sĩ giá… 7 triệu đồng
Bằng tốt nghiệp cao đẳng: 3 triệu; bằng đại học: 4,5 triệu; thạc sĩ: 5 triệu; tiến sĩ: 7 triệu đồng… Đó là giá các loại bằng cấp mà một đường dây lớn công khai rao bán trong nhiều năm nay. Vì sao đường dây này lại tồn tại lâu và ngang nhiên hoạt động như vậy? Phóng viên NTNN đã có cuộc thâm nhập để làm rõ chân tướng sự việc.
Từ nhiều năm nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa (Đồng Nai), nhiều người rỉ tai nhau có một đường dây "chạy" tất cả các loại giấy tờ từ bằng tốt nghiệp THPT, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… cho đến các loại giấy tờ công chứng khác với giá cực rẻ. Nhiều người còn khẳng định đường dây này cung cấp các loại giấy tờ, bằng cấp giống như thật tới 99,99%…
Hoạt động… liên tỉnh
Khi biết chúng tôi có ý định cần một bằng thạc sĩ của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, chuyên ngành Tài chính để hợp thức hoá hồ sơ công việc, anh H - một thợ cắt tóc vỉa hè trên đường kênh 19.5 (Q.Bình Tân, TP.HCM) tiết lộ: “Nếu em cần thì anh chỉ cho em một chỗ làm ở TP.Biên Hòa. Em có thể làm tất cả các loại bằng cấp của tất cả các trường từ đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp 3… trên toàn quốc.
Giá ở chỗ này cũng cực kỳ bèo, bằng cấp 3 là 1,5 triệu đồng; cao đẳng 3 triệu đồng; ĐH 4,5 triệu; thạc sĩ 5 triệu đồng; tiến sĩ 7 triệu đồng”. Trước đây anh H cũng đã liên hệ với đường đây này để làm giúp cho vài người bạn bằng cấp giả nên anh nói rất chắc chắn.
Anh H còn cho biết thêm sẽ dẫn chúng tôi ra tới nơi để làm bằng giả vì nếu là người lạ hoặc không được giới thiệu thì “cò” ở đây không dám nhận làm. Theo anh này, mấy người bạn của anh đã từng làm ở đây đều cho biết các loại bằng được “sản xuất” tại đây đều nhìn giống thật đến 99,99%, từ chất liệu phôi, dấu mộc, mộc nổi, chữ ký...
Để từng bước lần ra đường dây này, chúng tôi đã xin số ĐT liên lạc trực tiếp với “cò” V. T. K – một mắt xích trong đường dây làm bằng giả này từ anh H. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc qua số điện thoại 09492xx539, bà K mới chịu bắt máy và nói chuyện với chúng tôi. Tuy nhiên, những gì chúng tôi tiếp xúc được qua điện thoại với bà này cũng chỉ là những thông tin ngắn ngủi: “Bằng đại học giá 5 triệu, có gì thì gặp rồi bàn thêm”.
Theo thông tin của PV NTNN, từ năm 1992, nắm được nhu cầu làm giấy tờ giả để hợp thức hóa thủ tục xin việc làm tại các công ty nước ngoài đầu tư vào Khu Công nghiệp Biên Hòa, bà K đã mở văn phòng giới thiệu việc làm nhưng chủ yếu là nhận làm giấy tờ giả cho những người đi xin việc…
“Giả như thật”!
Trước khi tiếp cận thực tế với đường dây làm bằng giả hơn 20 năm này, chúng tôi đã lần lượt gặp một số người đã “mua” bằng từ đường dây này để xem mức độ “giống thật gần… 100%” như đã được giới thiệu. Anh B (hiện đang là kỹ sư thi công công trình ở Sóc Trăng) cho biết:
“Cách đây vài năm, thông qua một người bạn, tôi có nhờ “cò” trong đường dây làm bằng giả ở TP.Biên Hòa làm bằng ĐH Bách khoa TP.HCM và chứng chỉ chỉ huy trưởng công trình với giá 8 triệu đồng”. Cũng theo anh B, cho đến giờ, khi sử dụng hai loại giấy tờ này anh vẫn chưa hề bị cơ quan phát hiện.
Nhận xét về hình thức của những tấm bằng và chứng chỉ này, anh B cho biết: “Trình độ làm bằng giả của đường dây này khá cao, nhìn sơ qua không thể phát hiện được. Tuy nhiên, nếu để ý thì vẫn nhìn thấy sai sót khi màu bìa bằng thật đậm bóng thì bằng giả hơi nhạt hơn”.
Chị H (quê Bắc Giang), hiện đang làm việc cho một tiệm spa ở quận 1 TP.HCM, cho biết: “Em mới học hết lớp 9. Để vào làm, tiệm spa yêu cầu em phải có bằng tốt nghiệp THPT. Qua một người bạn, em nhờ đường dây là làm bằng giả ở Đồng Nai làm bằng tốt nghiệp THPT với giá 1,5 triệu đồng”.
Cũng theo chị H, hai năm làm tại đây, chủ sapa vẫn chưa phát hiện chị sử dụng bằng giả để xin việc. “Thực tế, em cũng không lo chủ phát hiện bằng giả vì bằng được làm rất tinh vi, rất giống với bằng thật và chủ spa cũng chẳng mấy quan tâm nhân viên massage sử dụng bằng thật hay giả”…
Thực tế, một số người khác mua bằng từ đường dây này khi chúng tôi tiếp xúc cũng cho rằng bằng “giả như thật” và chưa gặp trục trặc gì khi mang tấm bằng này đi xin việc hoặc khi làm việc.
Sử dụng bằng giả sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 267 BLHS quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù đến 7 năm. Việc sử dụng bằng giả cũng được xem là có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả.
Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo