Pháp luật

Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến

Một cơ quan định giá độc lập trong quá trình thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, hay Nhà nước đứng ra thu hồi đất rồi thực hiện đấu giá quỹ đất đó đối với doanh nghiệp được coi là những giải pháp chính để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh các giải pháp trên khi trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 7/6.

 

Ông Quang cho biết sau ý kiến của các đại biểu Quốc hội, việc trình luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ quay về lịch cũ, tức trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào giữa năm tới.

 

Liên quan đến lý do dẫn tới khiếu kiện nhiều trong lĩnh vực đất đai hiện nay xuất phát từ nguyên nhân giá đền bù đất cho người dân trong quá trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng quá thấp, Bộ trưởng cho biết vừa rồi Ban cán sự Đảng Chính phủ cũng đã trình Trung ương về nội dung khung giá đền bù thu hồi đất. Hiện tại đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc Nhà nước có nên quyết định khung giá đền bù hay không.

 

Khung giá thì phải giữ nhưng tăng dày các điểm lên, hiện mới quy định khung giá cho 3 vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) nên tính đại diện thấp lắm trong khi chúng ta có 63 tỉnh, thành nên tới đây khung giá sẽ tăng dày lên đảm bảo tính chính xác cao hơn.

 

"Ví dụ sẽ có khung giá theo từng địa phương hay cho cụm các tỉnh có điều kiện tương đương, sẽ hợp lý hơn”, ông Quang cho biết.

 

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cũng bày tỏ quan điểm nên có một cơ quan định giá độc lập trong quá trình thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng vì cho rằng “như thế là tốt nhất và cơ quan này trực thuộc Bộ Tài chính sẽ hợp lý hơn”.

 

Không giao thẳng đất cho doanh nghiệp để làm đô thị

 

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội sáng nay, có ý kiến cho rằng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã trở nên phổ biến, đây cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng nhất. Khi được hỏi nhận xét về ý kiến này, Bộ trưởng Quang cho rằng, không riêng một đại biểu sáng nay nói mà nhiều ý kiến đã nêu như vậy.

 

“Chúng tôi là người trong ngành, nhiều lúc cũng cảm thấy hết sức đau xót. Khiếu kiện chủ yếu trong lĩnh vực này, tham nhũng, lãng phí trong đất đai khá phổ biến, trong đó có nguyên nhân luật pháp quy định chưa chặt chẽ, phân cấp về mặt thẩm quyền hay giám sát thực thi công vụ của cán bộ có vấn đề”, ông Quang nhìn nhận.

 

Bộ trưởng cũng đồng thời giãi bày Bộ Tài nguyên Môi trường chủ yếu làm thể chế chính sách, còn vấn đề cụ thể do địa phương quyết là chính.

 

“Tôi nói như vậy không phải ở Bộ không có nhưng các địa phương phải hết sức quan tâm. Trong các cuộc họp của Bộ, bao giờ tôi cũng lưu ý anh em ở địa phương hết sức chú ý: Chúng ta làm việc với chức trách một người cán bộ, một người công chức nên không thể lợi dụng để làm giàu từ lĩnh vực này”, Bộ trưởng chia sẻ

 

Theo Bộ trưởng, các kẽ hở dẫn tới tham nhũng trong đất đai hiện nay chủ yếu liên quan đến vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; hay việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất, cấp đất cho các dự án ở đô thị.

 

“Liên quan đến việc cấp đất cho các dự án ở đô thị, tới đây phải sửa, trước chúng ta cấp cho doanh nghiệp tư nhân lớn quá, dễ dàng quá. Sau này phải trên cơ sở tạo quỹ đất và bán đấu giá và các doanh nghiệp chỉ là nhà đầu tư thứ cấp thôi. Tinh thần là như vậy, chứ việc giao đất trắng cho họ sẽ không có nữa”, Bộ trưởng quả quyết.

 

Về mấy chục nghìn ha đất đang bị hoang hóa, sử dụng sai mục đích thuộc quản lý của gần 1.000 cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng nhấn mạnh bây giờ các cấp phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý, nhiều doanh nghiệp nhận đất rồi để đó, cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.

 

“Chúng tôi đã giao các tỉnh kiểm tra, sau đó chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng về kết quả, tình hình xử lý”, ông Quang cho biết.

 

 

Theo TN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo