Tham vọng lớn từ chính sách tiền tệ của Trung Quốc
Chuyến công du Mỹ của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần qua đã kết thúc bằng cam kết cứu nợ công châu Âu. Chuyến thăm chắc chắn sẽ lại khiến Quốc hội Mỹ trở nên náo nhiệt hơn với đề tài chính sách tiền tệ của Trung Quốc, và khiến các nhà kinh tế học đặt ra câu hỏi rằng, liệu đồng NDT có thể truất ngôi USD để trở thành đồng tiền thống trị thế giới?
Đằng sau kế hoạch giải cứu châu Âu
Mặc dù các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tìm đủ các biện pháp chữa chạy, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công tại khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Thời gian qua, lãnh đạo các nước EU đã liên tục thăm Trung Quốc - quốc gia hiện đang nắm giữ lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, để hy vọng có được sự trợ giúp mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ cũng phải nhìn nhận rằng Trung Quốc không dễ dàng mở rộng hầu bao của mình mà không có điều kiện.
Kể từ đầu năm ngoái, lãnh đạo các nước như Tổng thống Sarkozy, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng EU Barroso... cùng đại biểu giới ngân hàng các nước EU đều lần lượt tới Trung Quốc để tìm cách cứu rỗi nợ công.
Kết quả là vào cuối năm ngoái, Trung Quốc đã từng tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ các nước trong Eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, giới phân tích cũng đặt ra câu hỏi về những lợi ích Bắc Kinh có thể đạt được từ việc trợ giúp này.
Trước hết, giải cứu châu Âu tức là giúp ổn định đồng euro, nhờ vậy Trung Quốc có thể đa dạng hóa đầu tư tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD – một tình thế mà Bắc Kinh luôn muốn tránh khỏi. Để đảm bảo an toàn trong quản lý ngoại hối, Trung Quốc cũng chú trọng đa dạng hóa các ngoại tệ dự trữ. Bằng chứng là ngoài trái phiếu của các nước châu Âu, Trung Quốc cũng đã mua vào không ít trái phiếu chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hơn nữa, EU đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc hiện nay, kim ngạch hai chiều năm 2011 tới 567,2 tỉ USD, nếu Eurozone sụp đổ sẽ gây hậu quả lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Hơn nữa, giúp EU có thể tăng sức mạnh phát ngôn của Trung Quốc trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và châu Âu, làm uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế tăng lên. Đồng thời, đồng euro cũng là đối trọng quan trọng đối với đồng USD, nên sẽ có lợi cho đồng NDT của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh giúp đỡ châu Âu về tài chính có thể giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục thuận lợi chảy vào thị trường này và thu về lượng lớn ngoại tệ.
Như vậy, việc giải cứu châu Âu như một cơ hội tốt cho Trung Quốc vừa để đầu tư đồng tiền của mình một cách an toàn, vừa giữ vững thị trường xuất khẩu, nguồn thu ngoại tệ... và trên hết để tăng sức mạnh của đồng NDT.
Chính sách và tham vọng của đồng tiền Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn đang khuyến khích giao thương quốc tế bằng đồng NDT bằng cách cho phép hàng xuất/nhập khẩu được xuất hóa đơn và thanh toán bằng NDT và cho phép một số nhà đầu tư nước ngoài – trong đó có các ngân hàng trung ương – tiếp cận có hạn chế đối với thị trường trái phiếu nội địa.
Chính sách này đã tạo ra sự chuyển biến có lợi cho Trung Quốc khi các mối giao thương này đã đạt giá trị hàng trăm tỉ NDT, tiền gửi bằng NDT tại các ngân hàng cũng tăng đột biến. Việc thanh toán bằng đồng NDT trong giao thương quốc tế tại thời điểm hiện tại cũng giúp Bắc Kinh cắt giảm được chi phí giao dịch và giảm thiếu rủi ro do biến động tỉ giá khi tránh sử dụng đồng USD.
Điều đáng nói là ngày càng có nhiều các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia phương Tây đi theo xu hướng này, trong đó có cả các tập đoàn hùng mạnh như McDonald's, Nokia, Metro... đều đã sử dụng đồng NDT để thực hiện các giao dịch của mình. Các ngân hàng lớn như Deutsche, Citigroup và JPMorgan Chase... cũng đang tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng để xử lý các giao dịch sử dụng đồng NDT trên khắp thế giới.
Trung Quốc sẽ sớm được đề cử là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2016 do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề cử, một điều kiện thuận lợi hơn cho việc trao đổi đồng NDT trên thị trường thế giới. Và các quốc gia khác cũng khó áp thuế hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Nếu không xét đến việc đồng NDT đang ở vị trí thấp hơn so với giá trị thực của nó, thì đế chế của đồng tiền này vẫn đang mở rộng, thể hiện rõ ở các hoạt động mạnh mẽ trên thị trường thương mại thế giới, các khoản đầu tư quốc tế khổng lồ... sẽ được giao dịch bằng đồng NDT. Không nghi ngờ gì khi nói đồng tiền Trung Quốc đang trỗi dậy như một công cụ thương mại quan trọng trên toàn cầu.
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu ngày càng tăng cao. Với giá trị thặng dư thương mại 300 tỉ USD và dự trữ ngoại tệ trị giá trên 3.000 tỉ USD bao gồm cả euro, Yen Nhật và bảng Anh, Trung Quốc luôn muốn trở thành một cường quốc kinh tế – tài chính trên thế giới... và đồng NDT trở thành một đồng tiền mạnh.
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo