Than: giảm thuế, tăng giá, vẫn kêu ca
Ông Nguyễn Văn Biên - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Việc thuế xuất khẩu than vừa điều chỉnh giảm được cho là “bước lùi” trong chiến lược hạn chế xuất khẩu than, ưu tiên sử dụng trong nước. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Trong những năm qua, việc điều chỉnh thuế xuất khẩu than của Chính phủ đã thực hiện rất linh hoạt, đảm bảo hài hòa giữa thu nộp ngân sách và duy trì sản xuất của doanh nghiệp, duy trì nguồn thu. Điều này đã giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua những lúc khó khăn để phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách.
Cụ thể là năm 2007 thực hiện xuất khẩu than với thuế suất 10%; năm 2008 khi giá xuất khẩu tăng thì Nhà nước điều chỉnh lên 20%; đến đầu năm 2009 khi có nhiều khó khăn, giá xuất khẩu giảm thì Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống còn 10%. Và vào ngày 16/9/2011, khi giá than xuất khẩu lên điểm cao nhất, Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế suất lên 20%. Nhưng hiện nay giá bán than xuất khẩu đã giảm 30-40% so với thời điểm quý III/2011. Vì vậy, việc điều chỉnh thuế xuất khẩu xuống 10% là hết sức cần thiết, đến khi điều kiện thị trường thuận lợi thì Nhà nước xem xét điều chỉnh lại như trước.
Quan trọng nhất là dù có giảm thuế hay không thì sản lượng than xuất khẩu cũng phải tuân thủ kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, sản lượng than xuất khẩu hàng năm giảm dần do phải ưu tiên trước hết cho nhu cầu trong nước. Từ năm 2015 sản lượng than xuất khẩu hàng năm chỉ còn khoảng 4 triệu tấn.
Bộ Công Thương có nhìn nhận rằng, nếu giảm thuế suất xuống 10% thì than xuất khẩu sẽ đạt kế hoạch cả năm, giải quyết được hàng tồn kho thưa ông?
Số liệu tồn kho cuối tháng 9 ước tính là 6 triệu tấn than sạch và 2,7 triệu tấn than nguyên khai và bán thành phẩm. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ năm 2012 suy giảm nghiêm trọng. Dự kiến thị trường nội địa giảm 6 - 6,5 triệu tấn so với kế hoạch, do các ngành bị ảnh hưởng suy giảm kinh tế, hàng hoá làm ra không tiêu thụ được nên cũng thu hẹp sản xuất, nhu cầu than vì thế cũng giảm sút.
Than giảm thuế, tăng giá vẫn khó khăn
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng bị cạnh tranh gay gắt về giá, hầu hết các nước chỉ áp dụng thuế xuất khẩu 0-10%. Nếu với thuế suất 20%, thì sau khi trừ thuế Vinacomin không thể bán được. Cho nên, việc giảm thuế xuất khẩu xuống 10% sẽ tạo điều kiện giúp Vinacomin xuất khẩu được than.
Nhưng vì hiện nay, thời gian còn rất ít (khoảng 90 ngày), nếu giảm thuế xuất khẩu xuống 10% thì Tập đoàn cũng chỉ xuất khẩu được theo kế hoạch, không bù đắp được sản lượng than trong nước giảm. Cho nên, trước tình hình tồn kho cao, Tập đoàn đã giảm sản xuất ở những nơi có thể dừng được (giảm 6,5 triệu tấn than so với kế hoạch đầu năm, từ 45,5 triệu tấn xuống còn 39 triệu tấn), đặc biệt các công ty than lộ thiên sản lượng giảm mạnh. Nhưng sản xuất than hầm lò thì không thể dừng vì dù có khai thác hay không thì vẫn phải thông gió, thoát nước mỏ, chống giữ, củng cố lò… Đồng thời phải duy trì việc làm cho công nhân mỏ để đáp ứng nhu cầu than tăng cao trong những năm tới.
Trước việc tăng giá bán than cho điện, có ý kiến quan ngại khả năng giá điện sẽ chịu sức ép tăng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Ý kiến của ông?
Đề nghị điều chỉnh giá bán than cho điện là giải quyết một bài toán khác. Than bán cho điện trước ngày 15/9/2012 chỉ bằng khoảng 50% giá thành năm 2011 đã được kiểm toán và đã rất lâu không được điều chỉnh một cách cơ bản. Năm 2010 Vinacomin bán than cho điện dưới giá thành tổng cộng khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng, năm 2011 là 5 nghìn tỷ và năm 2012 theo sản lượng kế hoạch là trên 8 nghìn tỷ đồng, nếu chưa được điều chỉnh giá.
Trước đây, khi sản lượng và giá than xuất khẩu cao, tỷ trọng than bán cho điện còn thấp thì sau khi trừ chi phí, than xuất khẩu vẫn bù được cho than bán cho điện và Vinacomin vẫn cân đối được tài chính. Nhưng sang năm 2012, giá than thế giới giảm mạnh nên ngay bản thân than xuất khẩu cũng chỉ đủ bù đắp chi phí và nộp thuế, không còn bù đắp được cho than điện. Với sản lượng than bán cho điện ngày càng lớn, nếu không được điều chỉnh giá một cách cơ bản thì Vinacomin sẽ không thể cân đối được tài chính, không thể duy trì sản xuất và có vốn để đầu tư phát triển chuẩn bị đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế mà chủ yếu là than cho điện.
Nếu giảm thuế, điều chỉnh giá vẫn chưa giải được bài toán cho ngành than, Vinacomin sẽ kiến nghị thêm biện pháp nào khác?
Do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cho nên Vinacomin đã thống nhất triển khai trong toàn Tập đoàn, tạm thời cắt giảm nhiều khoản chi phí từ 15-20%, tạm thời lùi khấu hao, lùi lại đất bóc đến năm sau mới thực hiện 15-20% so với yêu cầu kỹ thuật công nghệ mỏ, thậm chí tiền lương công nhân mỏ đã phải giảm đến 20%. Tuy nhiên về lâu dài, để đảm bảo thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than, Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giá bán than phải sớm đảm bảo bù đắp được giá thành và có lãi để tái đầu tư.
PV (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng